Thuốc lá thế hệ mới: Vì sao các doanh nghiệp chưa muốn Nhà nước cho phép nhập khẩu kinh doanh ngay?
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng còn quá sớm để bàn chuyện mở cửa cho mặt hàng này, mà họ kỳ vọng Chính phủ tập trung xây dựng chính sách quản lý thật toàn diện để phát huy hiệu quả trong lâu dài. Quan điểm này cũng trùng hợp với các ý kiến của các chuyên gia quốc tế khi cho rằng việc thiết kế một chính sách cho thuốc lá thế hệ mới cần được Việt Nam tiếp cận trên quan điểm thận trọng nhất có thể.
Khoảng trống pháp lý
Trước thực tế nhập lậu thuốc lá thế hệ mới đang tăng nhanh nhưng các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý vì thiếu các chính sách quản lý, mới đây Bộ Công thương đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn duy trì quan điểm nên cấm dòng sản phẩm này. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đang xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới.
Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các quốc gia vẫn đang đưa ra các quan điểm khác nhau với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Đặc điểm cơ bản của thuốc lá truyền thống chính là quá trình đốt cháy. Chính vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật Việt nam (QCVN) hiện hành quy định hàm lượng tối đa tar và nicotine trong khói của 1 điếu thuốc lá cho mục đích quản lý sản phẩm. Trong khi đó, sự khác biệt cơ bản nhất của thuốc lá truyền thống so với thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá thế hệ mới không diễn ra quá trình đốt cháy trong khi sử dụng, do đó, thuốc lá thế hệ mới không có khói và không có tàn. Thêm nữa, cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều phải dùng cùng với thiết bị điện tử. Do không có quá trình đốt cháy, hàm lượng các chất phát thải trong làn hơi của thuốc lá thế hệ mới giảm hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu truyền thống.
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điện tử. |
Để ghi nhận sự khác biệt về đặc tính sản phẩm, Tổ chức Hải Quan Thế giới (WCO) gần đây đã tạo ra một phân nhóm riêng 2404 cho Thuốc lá thế hệ mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, tách biệt khỏi phân nhóm 2402 của thuốc lá điếu truyền thống hiện thời. Phiên bản sửa đổi này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Về chính sách quản lý, châu Âu là một trong những thị trường ủng hộ thuốc lá thế hệ mới và có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới “thoáng” hơn so với thuốc lá truyền thống. Một số quốc gia khác thì quản lý như thuốc lá truyền thống, một số quốc gia vẫn đang xem xét nghiên cứu, cũng có một số ít quốc gia quyết định cấm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Theo báo cáo của WHO tính đến tháng 6/2018, thuốc lá điện tử có mặt ở 102/ 181 quốc gia. Trong số 102 quốc gia này thì 39 nước không có quy định về chính sách; ở những nước không cấm thì có 65 nước có quy định pháp luật cụ thể để quản lý thuốc lá điện tử.
Còn với thuốc lá làm nóng, hiện được thương mại hóa tại 51 quốc gia, gần nhất là Hoa Kỳ sau khi FDA Hoa Kỳ kết luận cho phép IQOS được bán tại Hoa Kỳ. 51 quốc gia này đều có chính sách quản lý đối với thuốc lá làm nóng. Theo Bộ Y tế thì có 8/ 200 quốc gia cấm.
Còn tại Việt Nam, Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá (PCTHTL) số 09/2012/QH13 ban hành năm 2012; Nghị định 67/2013NĐ-CP ngày 27/6/2013 hướng dẫn Luật PCTHTL cũng như và các văn bản hướng dẫn thi hành này khi được xây dựng và ban hành chưa hề tính đến sự xuất hiện trong tương lai của dòng sản phẩm thế hệ mới, do đó khung pháp lý hiện thời theo các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên chưa tương thích và phù hợp để điều chỉnh các dòng sản phẩm này.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là thuốc lá thế hệ mới có thật giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống? Cơ sở khoa học nào để đánh giá mức độ rủi ro của từng sản phẩm? Hiện các nước khác trên thế giới, ví dụ EU hay Vương quốc Anh, vốn là một thị trường rất quan tâm tới y tế cộng đồng và có trình độ khoa học kỹ thuật rất phát triển, đã cho phép quản lý thuốc lá thuốc lá thế hệ mới với quy định ít hạn chế hơn so với thuốc lá truyền thống. Điều này đáng để chúng ta đánh giá và xem xét khi xây dựng cơ chế quản lý cho dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có rất nhiều điểm khác biệt với thuốc lá điếu truyền thống về đặc tính sản phẩm, cơ chế sử dụng cũng như hồ sơ rủi ro của sản phẩm. Do đó, sẽ là không thích hợp nếu gom chung thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào khung pháp lý hiện đang áp dụng cho thuốc lá điếu hiện thời. Thay vào đó cần xây dựng, ban hành khung pháp lý, cơ chế quản lý riêng phù hợp với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có rất nhiều điểm khác biệt với thuốc lá điếu truyền thống. |
Cần ít nhất 1 năm để làm chính sách?
Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều, một ý kiến cho rằng nên cấm thuốc lá thế hệ mới; một ý kiến lại cho rằng nên có quy định pháp luật để quản lý mặt hàng này, bởi việc cấm là không khả thi khi vẫn có nhu cầu, và thị trường sản phẩm nhập lậu vẫn tràn lan; không những thế, việc thiếu khung pháp lý đang khiến cơ quan chức năng khó xử lý hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn vào Việt Nam.
Bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc đưa ra chính sách nào cũng cần nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đến quy định về kinh doanh như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu, những quy định về quảng cáo, quy định về thuế, biện pháp xử lý vi phạm cần được xem xét một cách tổng thể.
Ông Martin Dockrell, Giám đốc Chương trình Kiểm soát Thuốc lá thuộc Y tế Công cộng Vương quốc Anh, cho rằng việc điều chỉnh các quy định về thuốc lá và sản phẩm liên quan là điều cần thiết. Để tạo sân chơi công bằng cho tất cả các sản phẩm thuốc lá, các nhà làm luật cần phải làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc hệ thống quy định pháp luật phải phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm (thuốc lá truyền thống, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nhai), từ đó sẽ quản lý dễ dàng hơn.
Theo Giáo sư Dorothy Hatsukami từ Khoa Tâm thần học và Khoa học Hành vi, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, trước đây có nhiều những người không ủng hộ thuốc lá điện tử và có định kiến với loại thuốc lá này. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đang thay đổi khi có các bằng chứng khoa học về việc thuốc lá thế hệ mới có tiềm năng giảm thiểu tác hại.
Còn ông Alan Boobis, giáo sư về chất độc học tại Đại học Imperial College London, cho rằng ảnh hưởng của các hóa chất trong thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ không chỉ phụ thuộc vào độc tính bên trong của chúng, mà còn do thực tế sử dụng. Các bằng chứng thực tế trong việc sử dụng các loại thuốc lá cho thấy rằng rủi ro do thuốc lá điện tử gây ra cho người dùng về cơ bản là ít hơn so với thuốc lá thông thường.
Thuốc lá thế hệ mới rất đa dạng về mẫu mã. |
Theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, do cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp chưa có sự thấu hiểu, cho nên cần trải qua giai đoạn nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng tùy theo lĩnh vực của mình sẽ có báo cáo đánh giá tác động riêng, về mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, mức độ rủi ro của sản phẩm… Từ đó, Chính phủ có thể xây dựng một khung pháp lý phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và không làm gia tăng thị trường thuốc lá bất hợp pháp. “Tôi nghĩ cách tiếp cận này khá toàn diện để các cơ quan Chính phủ cân nhắc”, LS Nghiêm phân tích.
Về thời gian nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng khoảng thời gian 12 tháng cũng được xem là rất quý giá và quan trọng đối với các doanh nghiệp thuốc lá trong nước. Hiện tại, ngành công nghiệp thuốc lá trong nước chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào về công nghệ, thiết bị máy móc cũng như chuyên môn, con người để đón đầu dòng sản phẩm mới. Nguyên nhân sâu xa chính là sự khác biệt về đặc tính và cách thức hoạt động giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá làm nóng cũng như thuốc lá điện tử.
Theo ông Phùng Đức Thịnh, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ngành công nghiệp thuốc lá trong nước cần ít nhất 12 tháng để chuẩn bị năng lực cạnh tranh và tạo sự ổn định trong ngành thuốc lá trước khi cho phép thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử được nhập khẩu, kinh doanh và phân phối tại Việt Nam. Những tác động kinh tế, xã hội của việc luật hóa dòng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cần được đánh giá một cách đầy đủ.
Ông Thịnh cho rằng nếu không có thời gian “vàng” này để các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu về sản phẩm, chuẩn bị về nguyên liệu, máy móc, công nghệ, kỹ thuật và con người thì chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động trong ngành, các nhà cung cấp nguyên liệu cũng như nông dân trồng cây thuốc lá. Điều này cần được cân nhắc một cách thận trọng đặc biệt khi các doanh nghiệp trong nước còn đang gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19 và đang cần thời gian để phục hồi thị trường truyền thống cũ, trước khi chuẩn bị các điều kiện để sản xuất và cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.