Thu giữ tài sản bảo đảm: Làm sao để "Tốt cho cả hai"?

Thứ Hai, 18/07/2016, 16:01
Triển khai đúng quy trình, pháp luật cho phép, thế nhưng khi ngân hàng thực hiện thu giữ tài sản khách hàng thế chấp thì rất dễ sinh chuyện. Khách hàng kêu cứu, dư luận không đồng tình, phê phán, hình ảnh ngân hàng bỗng dưng trở nên méo mó, xấu xí, thậm chí bị “kiện ngược”.Vì đâu nên nỗi?


Trăm cái lý

Việc xử lý tài sản bảo đảm là hoạt động được pháp luật cho phép, quy định khá cụ thể tại nghị định số 163/2006/NĐ-CP, thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN. 

Theo đó, tổ chức tín dụng được thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức mà các bên thỏa thuận, bao gồm: Bán tài sản bảo đảm, nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Nếu khách hàng không giao tài sản bảo đảm cho cán bộ ngân hàng để xử lý thì ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Nhiều khi ngân hàng phải dở khóc dở cười khi đi thu hồi nợ. Ảnh minh họa.

Khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006/NDD-CP quy định rõ: “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Hành lang pháp lý đã có thể nhưng thực tế khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP và các văn bản pháp lý hiện hành, tổ chức tín dụng gặp muôn vàn khó khăn. “Đứng cho vay, quỳ thu nợ” đang là hình ảnh khá chua chát nhưng phản ánh đúng thực trạng thu hồi nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua.

Thống kê những vụ thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) ồn ào dư luận nhất thời gian qua cho thấy một motip điển hình: khi vay, khách hàng tự nguyện ký hợp đồng dùng tài sản thế chấp (bất động sản, tài sản lưu động…) để bảo đảm cho khoản vay của mình, chấp nhận hạn chế quyền sở hữu của mình liên quan tới tài sản đó. Tuy nhiên, khi không còn khả năng trả nợ, bị tổ chức tín dụng tiến hành các biện pháp xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo thì khách hàng quay ngược 180 độ vi phạm cam kết, không thiện chí trả nợ, thậm chí “kiện ngược” ngân hàng.

Hầu hết các ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, VIB, Vietinbank…đều từng gặp phải thực trạng “dở khóc, dở cười” như trên. Trưởng bộ phận thu hồi nợ của một ngân hàng lớn ngán ngẩm cho hay “nản” bậc nhất khi thu hồi tài sản bảo đảm là bất động sản. Lúc ký hợp đồng thế chấp tài sản khách hàng hoàn toàn tự nguyện và đã được tư vấn, thông báo kỹ càng các hình thức ngân hàng áp dụng khi thu giữ tài sản bảo đảm (bao gồm cả việc ngân hàng được phép niêm phong tài sản, quản lý tài sản, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm).

Thế nhưng khi ngân hàng tới thực hiện các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm thì khách hàng kiện cáo, kêu cứu tới công an địa phương, báo chí. Ngân hàng đang ở thế “đi đòi nợ” bỗng dưng trở thành “đi xin nợ”, thành “ngáo ộp”, “xã hội đen” xâm phạm nơi cư trú của công dân. Khách hàng đảo ngược tình thế, từ “con nợ” thành “khách nợ” và ra các yêu cầu buộc ngân hàng phải “chiều theo ý mình”.

Không bằng một tý duy tình?

Theo các chuyên gia pháp lý và các chuyên gia tài chính, ngân hàng thì sở dĩ ngân hàng trở thành “nạn nhân” khi thực hiện các giải pháp thu hồi tài sản bảo đảm, trước hết là bởi các quy định của pháp luật tuy đã đầy đủ nhưng còn có điểm “mờ”, từ đây, khách hàng nương theo để “bắt bí” ngân hàng.

Cụ thể, pháp luật quy định trước khi thu giữ tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng phải gửi văn bản thông báo, tiến hành gặp gỡ, trao đổi với bên thế chấp, bên quản lý tài sản để thực hiện quyền thu giữ tài sản. Bên thu giữ không áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Nếu xử lý không khéo, đôi khi các ngân hàng bỗng dưng trở thành “đi xin nợ”, thành “ngáo ộp”. Ảnh minh họa.

“Khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ đã “vin” vào quy định mập mờ này để “tố ngược”ngân hàng xử lý nợ theo kiểu cưỡng bức, trái đạo đức xã hội, dồn khó cho khách hàng. Hàng loạt những từ ngữ đao to, búa lớn được tung ra để gây sức ép, ví dụ như: Phá nhà dân, niêm phong nhà dân, đuổi khách hàng ra khỏi nhà…Ngân hàng bị “bêu xấu” mà phải “ngậm bồ hòn”, một cán bộ trực tiếp tham gia một vụ thu hồi nợ tốn nhiều giấy mực mới đây ở Hà Nội chia sẻ.

Vẫn theo vị cán bộ này thì chiêu “tung hoả mù”, “kêu khổ, tố oan” này của một số khách hàng nhận được sự thông cảm của dư luận, xã hội là bởi tâm lý người Việt khá duy tình, thiên lệch về phía khách hàng với suy nghĩ khách hàng là người yếm thế, ngân hàng là “người nắm đằng chuôi”.

Chính bởi sự “duy tình” này của cả xã hội mà nhiều khi ngân hàng dở khóc dở cười. Vụ thu hồi tài sản bảo đảm của một ngân hàng lớn ở Hà Đông (Hà Nội) mới đây là ví dụ điển hình. Tổ công tác của ngân hàng này khi thực hiện các bước thu hồi tài sản bảo đảm đã bị khách hàng “tố” hành hung, xô ngã khách hàng để chiếm giữ, niêm phong tài sản.

Trong khi clip ghi lại thực tế tại hiện trường cho thấy người bị đánh, bị dùng vũ lực để uy hiếp chính là những nhân viên của ngân hàng. Khi nhân viên ngân hàng đến làm việc thì các thành viên gia đình có tài sản bị thu giữ đã chửi bới, khóa cửa nhốt, bóp cổ và đẩy ngã nhân viên ngân hàng!?.

Giải pháp nào “tốt cho cả hai”?

Lãnh đạo các ngân hàng đều chia sẻ không ngân hàng nào muốn căng thẳng với khách hàng khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm song nếu như không xử lý mạnh thì chắc chắn xã hội sẽ nảy sinh một tầng lớp khách hàng chây ỳ, vay dễ, khó đòi dẫn tới nợ xấu cho ngân hàng. 

Trong khi đó, các chuyên gia tài chính khuyến cáo: nợ xấu không khác gì “quả bom”, mối nguy hiểm tiềm ẩn, trực tiếp ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. 

Để công bằng cho các tổ chức tín dụng cũng như khách hàng trong hoạt động thu hồi tài sản bảo đảm, đã đến lúc cần có những nhìn nhận đúng đắn, khách quan, không thiên lệch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Những quy định pháp luật chưa phù hợp cũng cần sớm được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngân hàng cũng như khách hàng.

Ngân Hương
.
.
.