Thanh toán không dùng tiền mặt:

Tạo dựng niềm tin để thay đổi thói quen thanh toán

Thứ Hai, 06/05/2019, 07:26
Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã có những chuyển biến rõ rệt trong đời sống sinh hoạt của người dân, song vẫn còn nhiều rào cản phải tháo gỡ.

97% thương mại điện tử vẫn thanh toán bằng tiền mặt

Theo một kết quả khảo sát mới đây cho thấy, người tiêu dùng Việt mang theo tiền mặt ngày càng ít hơn, thay vào đó, thanh toán kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến, từ mua sắm trực tuyến đến trả tiền mua nhu yếu phẩm. Một nửa số người được khảo sát cho biết, sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất 2-3 lần một tuần. 73% số người tham gia khảo sát trả lời rằng, họ đang sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, tăng 59% so với năm trước. Trong khi đó, 82% người tiêu dùng đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, thanh toán điện tử trong thời gian qua cũng phát triển mạnh. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 300.000 tỷ đồng.

Tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động. Đa số hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, trong đó có 26 doanh nghiệp được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử. Tính đến  hết năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử…

Những con số thống kê trên nghe có vẻ lớn lao, nhưng nếu so với thực tế dư địa của thị trường thì tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta vẫn đang rất nhỏ. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia đến 89%. Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Dẫn số liệu về bức tranh thương mại điện tử của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).

Ví điện tử là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hữu ích.

Cho rằng chúng ta “đã quá chậm”, khi chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Xuân Vũ – thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được NHNN và các ngân hàng thực hiện từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, với nhu cầu khách hàng, xã hội thì chúng ta phải thay đổi để tồn tại, phát triển vì "đã quá chậm rồi".

Ưu đãi thuế khi thanh toán không dùng tiền mặt

Vậy, vì sao tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta vẫn chậm? Ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ ra một số vấn đề cần tháo gỡ để phát triển thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Cụ thể, thứ nhất là thói quen của người tiêu dùng đang là rào cản lớn nhất. Hiện 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu. Thứ hai là nhiều doanh nghiệp ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới. Và thứ ba là chưa có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia.

Ông Tuấn cho rằng, có thể xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thanh toán không dùng tiền mặt như ưu đãi thuế. Việc ưu đãi thuế cũng là nhằm có thể thu thuế nhiều hơn vì khi đó doanh nghiệp sẽ minh bạch về tài chính. Thứ tư là vấn đề phát triển hạ tầng. Theo ông Tuấn, việc chia sẻ dữ liệu có rào cản nhất định vì dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao. Do đó, đại diện nhà băng cho rằng, với yếu tố này cần có sự tham gia của nhà nước.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, cần có những quy chuẩn về công nghệ khi triển khai. Ông lấy ví dụ, hiện mỗi trạm BOT lại áp dụng một chuẩn mực khác nhau khi thu phí nên khó khăn cho các ngân hàng.

Từ phía cơ quan quản lý, Vụ trưởng Thanh toán Phạm Tiến Dũng (NHNN) cũng thừa nhận rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều. Ngoài những rào cản về mặt cơ chế, ông Dũng cho rằng, một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng.

"Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước", Vụ trưởng Thanh toán nói và cho rằng, cải thiện lòng tin của khách hàng sẽ tạo ra sự thay đổi trong quy trình thanh toán thương mại điện tử. Nói thêm về dịch vụ ngân hàng, theo Vụ trưởng Thanh toán, chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.

Quy tắc này, hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1s và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. "Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ", ông Dũng nhận xét.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với thương mại điện tử, mà cả với sự phát triển của kinh tế số. Theo đại diện Bộ Công Thương, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Hà An
.
.
.