Tăng cường hỗ trợ hàng Việt trong mùa dịch

Thứ Hai, 31/05/2021, 08:26
Mít Thái, xoài Đài Loan, xoài Úc, sầu riêng... rớt giá mạnh nhưng vẫn không hút được nhiều người mua. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản hiện cũng đang vào mùa rộ, trong khi “cửa” xuất khẩu (XK) đang bị thu hẹp do ảnh hưởng dịch bệnh đã khiến nông dân điêu đứng...


Ông Nguyễn Đình Mạnh, nông dân trồng mít Thái ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết, cách đây vài năm mít Thái rất có giá, mua tại vườn 40.000 - 50.000 đồng/kg, thấy ham nên gia đình ông quyết định phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang trồng mít Thái. Đến nay, mít đã vào mùa thu hoạch nhưng giá rớt thê thảm, thương lái thu mua tại vườn giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg, nếu không bán thì thương lái cũng chẳng kì kèo vì mít Thái trồng ở tỉnh Đồng Nai rất nhiều. 

“Lúc trước do tiêu rớt giá mạnh quá nên tôi mới phá bỏ chuyển sang trồng mít. Nay giá tiêu hồi phục nhưng không có để bán, còn mít thì giá rớt thảm hại, bán cả vườn cũng không đủ tiền đầu tư, chăm sóc. Không chỉ riêng tôi, thời điểm đó nhiều người ở khu vực này thấy mít được giá, cũng chặt bỏ một số loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mít, giờ cũng khóc ròng”, ông Mạnh chia sẻ.

Trái vải đang vào mùa và được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa.

Trong khi thương lái thu mua mít Thái của người nông dân giá bèo bọt như vậy nhưng giá bán trên thị trường không hề rẻ. Tại siêu thị, mít Thái giá 40.000 -50.000 đồng/kg. Tại chợ truyền thống giá 18.000 đồng -20.000 đồng/kg, còn các xe đẩy treo giá 15.000-16.000 đồng/kg… Cũng rơi vào tình cảnh giống mít Thái, xoài Đài Loan cũng rớt giá thê thảm, giá mua tại vườn của các thương lái chỉ 3.000-5.000 đồng/kg loại 1, còn loại 2, loại 3 giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, đã vậy mà thương lái còn không muốn mua nên nhiều người phải hái đổ đống cho lợn, cho cá ăn.

Trước tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, XK khó khăn, theo Bộ Công thương, cần ưu tiên tiêu thụ trong nước đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn của một số địa phương, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, xoài, dưa hấu, hành củ... 

Bộ Công thương cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. 

Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, các Đội QLTT đã phối hợp, vận động các Ban quản lý siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống tích cực hưởng ứng và có kế hoạch hỗ trợ thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân.

Song song với kênh truyền thống, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã làm việc với các đơn vị để quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Postmart, Voso… và đạt những kết quả khá tốt. Điển hình, quả vải thiều Thanh Hà tỉnh Hải Dương đã được đưa lên bán trên sàn TMĐT Sendo. Tiếp đó là 2 đặc sản mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La cũng được đưa lên TMĐT Shopee…

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều địa phương đã chạy đua tăng “nóng” diện tích trồng một số loại nông sản mà không theo một quy hoạch nào. Tuy nhiên, khi thời điểm trồng loại nông sản đó có giá rất tốt, được tiêu thụ mạnh, nhưng đến những vụ sau đó cung đã vượt cầu, trong khi DN lại quá phụ thuộc vào một thị trường XK nên hàng hóa bị ùn ứ, không tiêu thụ được, phải kêu gọi “giải cứu”. 

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, để xây dựng được kênh tiêu thụ nông sản bền vững, cần phải có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, DN sản xuất và các kênh phân phối. Trong đó, phải nâng cao năng lực cho DN, HTX, nông dân sản xuất… trong việc xác định, xây dựng thị trường tiềm năng, tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, để tránh tình trạng nông sản mùa trước tiêu thụ tốt, giá cao nhưng mùa sau cung vượt cầu dẫn đến ùn ứ, không tiêu thụ được, DN đừng quá phụ thuộc vào một thị trường mà cần phải đa dạng hóa thị trường XK. Ngoài ra, DN khi muốn XK vào thị trường nào thì cần có sự nghiên cứu để cho ra sản phẩm phù hợp để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Đối với thị trường XK, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý DN: Thị trường thế giới luôn yêu cầu những điều kiện nghiêm ngặt, khắt khe về việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Vì vậy, DN XK nông sản cần quan tâm đến vấn đề này. Bởi, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp minh bạch được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà còn giúp DN thu thập được tài sản số của mình.

Thúy Hà
.
.
.