Tại sao người Việt “quay lưng” lại với trái cây trong nước
Việc không ưu tiên dùng hàng Việt đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho việc “sính ngoại” của người Việt ngày nay dù không biết được việc “sính” đó chất lượng, giá cả như thế nào.
Dạo qua một số hệ thống các siêu thị lớn như Metro, Big C, Coopmart, Vinmart, các cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều các chủng loại trái cây ngoại được bày bán như dưa Sapo, táo Rubi, lê Nashi. Với giá dao động từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/kg, thế nhưng khách hàng vẫn chen chân để chọn mua bằng được những loại trái cây này.
Chị Nguyễn Thị Trúc Diễm, nhà ở quận Bình Thạnh cho biết, trước đây chị thường hay mua trái cây trong nước ở các chợ gần nhà, mùa nào thì mua quả nấy. Nhưng từ ngày nghe tin về các vụ ngộ độc rau, củ, quả, nghe trái cây nội bị tiêm thuốc thì chị chuyển sang tìm mua trái cây nhập khẩu.
“Giá có đắt hơn một ít nhưng lại đảm bảo. Không phải tôi mà nhiều chị em khác cũng có chung suy nghĩ như nhau, sức khỏe quan trọng lắm thế nên không thể ăn uống một cách tùy tiện được. Hơn nữa, trái cây nhập nhìn cũng bắt mắt, chẳng hạn như so với cam ở trong nước, quả cam Mỹ thường to, màu đẹp, mọng nước, vỏ vàng tươi, hay như nho, các loại nho thường to, rất ngọt, trong khi đó nho Việt thường nhỏ, có vị chua. Thời gian bảo quản trái cây ngoại cũng khá dài, lại không phải lo sợ nhiều về chất bảo quản vì quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn nhiều so với Việt Nam”, chị Diễm thổ lộ.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ một cửa hàng bán trái cây lâu năm ở quận Tân Bình, gia đình chị mở tiệm bán trái cây hơn 30 năm nay. Trước đây, gia đình chị chỉ bán trái cây nội được lấy từ các vựa trái cây lớn từ miền Tây Nam bộ đưa lên, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thấy trái cây ngoại như là “mốt” của các gia đình khá giả nên chị chuyển hướng.
Trái cây ngoại được bày bán trong siêu thị. |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, trái cây Việt hiện nay bị trái cây ngoại lấn chiếm ngay trên thị trường “sân nhà” vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất giải thích cho mọi vấn đề đó chính là “sức cạnh tranh kém”, cạnh tranh ở đây chỉ ra 3 vấn đề, đó là từ các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và quảng bá, tiếp thị sản phẩm chúng ta đều “thua kém” các nước.
Ở khâu chăm bón, thu hoạch, trái cây Việt thực sự chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật chuẩn 100% như trái cây ở các nước Mỹ, Pháp… cho tới khi đóng thùng thì trái cây ngoại cũng được bảo quản kỹ lưỡng. Đó là lý do khiến trái cây ngoại luôn giữ được vẻ ngoài bắt mắt, được trưng bày tại các siêu thị lớn, trong khi đó trái cây Việt bị cho vào thùng, vào sọt sau đó đưa ra các chợ để bán với giá rẻ.
Về giá cả, trái cây ngoại vẫn được người tiêu dùng Việt “ưu ái” khi nhiều người mạnh dạn chi tới tiền triệu để mua. Tại một số chợ lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Tân Định, chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai,… chúng ta dễ dàng nhận thấy người đi mua các loại trái cây ngoại có số lượng đông còn dãy bên phía bán trái cây Việt thì lẻ tẻ vài người dù cho giá cherry ngoại bán ra 480.000 đồng/kg, có hàng bán giá lên tới 600.000 đồng trong khi đó cherry Việt chỉ có giá 20.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính trong năm 2016, các doanh nghiệp của Việt Nam đã chi hơn 700 triệu USD để nhập khẩu trái cây, còn 2 tháng đầu năm 2017 cả nước đã chi khoảng 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau củ quả khiến kim ngạch nhập khẩu trái cây cũng đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các con đường chính ngạch, hoa quả ngoại cũng đã được nhập vào nước ta theo con đường tiểu ngạch, xách tay và chiếm một số lượng không hề nhỏ. Chỉ tính riêng việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, trong 2 tháng đầu năm là 82 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây, tiếp đó là thị trường Trung Quốc, Myanma, Mỹ...
Những con số trên đã minh chứng cho một một thực tế đáng buồn đó chính là người Việt đang “quay lưng” với trái cây trong nước.