Rủi ro lạm phát: Chủ động phương án ứng phó

Thứ Hai, 07/06/2021, 08:20
Do diễn biến của dịch bệnh cũng như giá cả có xu hướng leo thang, lạm phát trong những tháng cuối năm đối mặt với nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã có những phương án điều hành giá để ứng phó. Nếu không có đột biến, mục tiêu 4% vẫn hoàn toàn có thể đạt được.

“Sờ thấy” nguy cơ lạm phát?

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. 

Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ hơn vào báo cáo của Tổng cục Thống kê thì tháng 4 so với tháng trước giảm -0,04%, và chỉ sau một tháng con số này đã tăng lên 15% do giá nguyên, vật liệu đầu vào cùng với giá xăng dầu tăng.

Bước vào tháng 6 và những tháng sắp tới, không chỉ có giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... mà một loạt phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cũng tăng và dọa tăng. Các chuyên gia dự báo có thể “sờ thấy” nguy cơ lạm phát rất gần.

“Tôi cho rằng, từ quý II lạm phát sẽ tăng và sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm nay. Lý do bởi vì giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng và thực phẩm cũng đã bắt đầu tăng và có khả năng kéo dài do tác động từ hiện tượng nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 27/4 đến 12/5, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã quyết định tăng giá xăng dầu đến 2 lần. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá xăng dầu có thể đạt 80 USD vào cuối năm và điều này có thể gây áp lực lên giá xăng dầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá sắt thép trong nước tăng 40 – 50% kéo theo giá vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá,… cũng tăng theo, đẩy nguy cơ giá nhà tăng trong những tháng cuối năm và gây áp lực lên lạm phát. Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp và chưa kiểm soát được hoàn toàn cũng gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và có thể gây áp lực lên giá cả và lạm phát”. TS. Chu Thanh Tuấn, giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT nhận định.

Giá xăng dầu là ẩn số gây rủi ro lạm phát.

Chủ động phương án điều hành giá

Trước nhiều ý kiến nghi ngại, Bộ Tài chính cho biết những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.

Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép), có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu. 

Đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, thời gian vừa qua dịch vụ vận chuyển hàng không có sự điều chỉnh kết cấu chi phí trong giá, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải bảo đảm mức giá vé máy bay vẫn trong khung giá do cơ quan có thẩm quyền nhà nước quy định.

Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.

“Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa (theo tính toán phân tích dự báo của Cục thì dư địa tăng 0,84% mỗi tháng) để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá”, Bộ Tài chính cho biết.

Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo; bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021 về công tác quản lý, điều hành giá trong đó đã đề các các biện pháp và giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ quản lý ngành trong điều hành giá các mặt hàng cụ thể trong đó có việc quản lý giá thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, sách giáo khoa, đất đai, bất động sản...

Hà An
.
.
.