Rau, hoa Đà Lạt trong mùa dịch COVID-19

Chủ Nhật, 29/03/2020, 09:01
Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp đã tác động trực tiếp tới các gia đình sản xuất rau, hoa tại tỉnh Lâm Đồng. Giá cả xuống thấp kéo dài, đẩy người nông dân vào cảnh khó khăn chồng chất.

Bà Phạm Thị Thủy (SN 1963), ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, nơi chuyên canh các loại rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, nhìn vườn bắp sú đang chuyển sang già mà vẫn chưa tìm được thương lái tới mua. Theo bà Thủy, từ trước Tết Nguyên đán 2020 tới nay, giá bắp sú luôn dao động ở mức rất thấp, nay chỉ còn 500 đồng/kg.

Đổ đồng, thương lái chỉ mua với giá 1.000 đồng/gốc nhưng vẫn rất khó bán. Hai tuần qua, bà Thủy đã gọi cho nhiều đầu mối chuyên thu mua nông sản trên địa bàn để bán tháo 3.000m2 bắp sú này nhưng vẫn chưa có người mua. Cách gia đình bà Thủy không xa, hộ anh Nguyễn Văn Nam (SN 1986) cũng đang lâm vào cảnh tương tự.

Dịch COVID-19 khiến các loại rau, hoa Đà Lạt bị ảnh hưởng nặng nề.

Gọi mãi chẳng có ai tới cắt, để kéo dài thời gian của loại rau này chờ cơ hội lên giá sẽ có người mua, vợ chồng anh Nam buộc phải thực hiện theo cách truyền thống, đó là bẻ gãy khoảng 70% gốc cây bắp sú cho nằm dạt xuống mặt đất để cây phát triển chậm lại. Với giá bán chỉ 1.000 đồng/gốc, người trồng sú ở Lâm Đồng chấp nhập thua lỗ mỗi gốc khoảng 1.000 đồng.

Ông Đỗ Văn Hòa (SN 1978, ngụ tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) cho biết, trước Tết Nguyên đán 2020, ớt chuông (ớt ngọt) giá bán tại vườn gần 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi Trung Quốc bùng phát dịch COVID-19 lập tức giá loại nông sản này “lao dốc”, nay chỉ còn 5.000 đồng/kg nhưng thương lái thu mua với số lượng hạn chế vì tiêu thụ rất chậm.

Ông Võ Văn Toản, một người chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và xuất khẩu sang Campuchia cho biết, hiện rất khó đưa hàng sang Campuchia do hai nước siết chặt kiểm soát, đóng cửa biên giới để phòng chống dịch COVID-19. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng chậm hẳn lại do tâm lý người dân hạn chế ra ngoài, nhiều hàng ăn, quán nhậu đóng cửa khiến cho việc tiêu thụ nông sản giảm mạnh.

Không chỉ rau, củ, quả, người sản xuất hoa tại Lâm Đồng cũng đang chịu chung cảnh giá cả xuống thấp.

Hiện nay, thương lái chỉ mua hoa hồng loại 1 với giá cao nhất là 500 đồng/bông, bằng 1/3 so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19. Hoa loại hai gần như nhà vườn phải cắt bỏ vì không bán được. Với giá như trên, người trồng hoa hồng như ông Hùng xác định thua lỗ nặng vì phải gánh nhiều chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu, điện, nước tưới, nhân công lao động...

Anh Đỗ Văn Ngọc (SN 1983), Đa Thiện, TP Đà Lạt cho biết, vụ hoa cúc vừa rồi, gia đình anh đầu tư gần 40 triệu đồng trồng 2.000m2 trong nhà kính. Nếu giá hoa bình ổn thông thường, anh Ngọc dự kiến sẽ có lãi ít nhất 30 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Tuy nhiên, thời điểm hoa của gia đình anh Ngọc được thu hoạch cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tác động tiêu cực tới tâm lý người dân và thị trường tiêu thụ. “Bán tháo cả vườn hoa cúc, vợ chồng tôi mắn hơn nhiều hộ khác là thu hồi được vốn sau hơn 3 tháng. Chỉ chịu lỗ công đầu tư, chăm sóc vườn hoa!...”, anh Ngọc nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn nhất do thị trường chịu sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vẫn có những gia đình bình ổn được giá cả các loại nông sản, đảm bảo vẫn có lời. Đó là những hộ tham gia vào sản xuất liên kết theo chuỗi cung ứng trên thị trường.

Gia đình ông Lê Công Thôn, ngụ tổ 34, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng là một trong những trường hợp điển hình. Ông Thôn cho biết: “Nếu trồng theo hướng tự phát, người nông dân phụ thuộc vào thương lái, không chủ động với thành quả từ lao động của mình. Thương lái mua giá thấp và bán giá cao, nếu xảy ra rủi ro, người nông dân sẽ là người chịu thiệt nhiều hơn!.., ông Thôn nói.

Năm 2009, ông Thôn là một trong những nông hộ đầu tiên tham gia liên kết sản xuất giữa nông dân và một doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Ông Thôn đánh giá: “Liên kết sản xuất là tương lai của người nông dân bởi tham gia liên kết, người nông dân được hưởng lợi tốt nhất cho sản phẩm của mình. Người nông dân chỉ việc trồng theo kế hoạch của nhà tiêu thụ, giá cả tốt nhất, được chia sẻ lợi nhuận và chia sẻ cả rủi ro!..”. Liên kết sản xuất có thêm điểm lợi nữa là doanh nghiệp tiêu thụ có thể yên tâm đầu tư máy móc phục vụ sơ chế, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát nông sản, điều rất khó làm với từng nông hộ đơn lẻ.

Do đó, trong dịch COVID - 19 này, nông sản của gia đình ông Thôn vẫn được công ty thu mua đều đặn với giá cao, không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Hiện trung bình mỗi năm, gia đình ông Lê Công Thôn cung cấp cho doanh nghiệp liên kết xấp xỉ 1.000 tấn nông sản, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm.

Khắc Lịch
.
.
.