Phát hiện nhiều trường hợp nhập khẩu tiền chất không có giấy phép

Thứ Tư, 10/06/2020, 07:54
Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay cơ quan hải quan đã và đang đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) các loại tiền chất có thể dùng để sản xuất, chế biến ma túy.

Hiện nay trên thế giới có hơn 800 chất ma túy và liên tục xuất hiện các tiền chất mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, trong đó có hải quan khi phát hiện, điều tra. Do vậy, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch 4575/KH-TCHQ về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành Hải quan có hiệu lực từ ngày 15-7-2019. Điều đó cho thấy cùng với công tác chống buôn lậu ma túy, các loại tiền chất có thể dùng để sản xuất, chế biến ma túy được cơ quan Hải quan đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Điều tra Chống buôn lậu (ĐTCBL) Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 50 vụ/40 đối tượng; trong đó, đường bộ 36 vụ, đường hàng không 13 vụ, đường biển 1 vụ… Đặc biệt là, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc (Đội 5), Cục ĐTCBL đã phát hiện 2 vụ buôn lậu  tiền chất, trong đó 1 vụ đã ra 7 quyết định xử phạt thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Trên thực tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý rất nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tiền chất không có giấy phép. Khó khăn của hải quan là hiện nay việc cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành dễ dàng, không căn cứ theo năng lực thực tế sản xuất của DN. Nhiều trường hợp DN nhập khẩu tiền chất, khi cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ, DN mới xin cấp phép bổ sung.

Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ ngành trong việc quản lý nhập khẩu tiền chất.

Nhiều trường hợp cơ quan Hải quan điều tra phát hiện giấy phép nhập khẩu của DN không có địa chỉ trụ sở rõ ràng cũng được cấp phép nhập khẩu tiền chất. Sau khi cấp phép cơ quan cấp phép cũng không tiến hành hậu kiểm để xem thực lực của DN, DN có sử dụng tiền chất để sản xuất hàng hóa và việc tiêu thụ hàng hóa có đúng mục đích, đối tượng hay không, dễ bị các đối tượng lợi dụng sử dụng tiền chất để chế biến ma túy.

Để kiểm soát vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm soát hải quan, chống buôn lậu cần thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 4575/KH-TCHQ về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong hải quan. Theo đó, kiểm soát phát hiện ma túy phải được tăng cường triển khai và là trách nhiệm của tất cả các công chức ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan (từ tiếp nhận hồ sơ phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra, kiểm định...) để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát ma túy.

Các đơn vị chủ động có giải pháp kịp thời ngăn chặn và bịt kín các sơ hở không để cho tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, du lịch, quản lý tiền chất trong công nghiệp, y tế và các quy trình, quy định nghiệp vụ hải quan để vận chuyển ma túy qua các khu vực kiểm soát hải quan hoặc đưa các phương tiện, dụng cụ, tiền chất để sản xuất ma túy trong địa bàn kiểm soát hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công chức hải quan ở các khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan cần phải đặc biệt chú ý việc phát hiện ma túy, tiền chất các loại. Đặc biệt, các đơn vị cần nâng cao khả năng phát hiện ma túy, tiền chất ở khâu kiểm tra trong và sau thông quan hàng hóa.

Theo đó, các đơn vị Hải quan khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, tiến hành điều tra nghiên cứu nắm tình hình, lập hồ sơ cụ thể đối với từng DN XNK, kinh doanh, sử dụng tiền chất. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nắm tình hình về doanh nghiệp XNK, kinh doanh, sử dụng tiền chất để sản xuất từ việc xây dựng lắp đặt nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, máy móc sử dụng tiền chất trong sản xuất, kho bãi tập kết chứa tiền chất, số lượng công nhân phục vụ, quá trình sản xuất làm ra sản phẩm... DN sử dụng tiền chất phải quản lý chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, định mức tiêu hao khi sản xuất, nguyên liệu thừa, tiêu hủy hoặc chuyển sang hợp đồng khác...

Về giải pháp chống nhập lậu và sử dụng tiền chất sai mục đích, Cục ĐTCBL đề xuất, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp. Tăng cường kiểm tra, kiếm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của DN, định mức tiêu hao nguyên liệu.

Trân Trân
.
.
.