Phải ghi nhãn hàng hóa bằng mã vạch: Chống gian lận xuất xứ và hàng giả

Thứ Năm, 03/06/2021, 07:32
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và hiện đang lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định chính là bổ sung quy định ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng: Hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo pháp luật của nước nhập khẩu; Trường hợp hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu có nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ hàng hóa thì nội dung xuất xứ hàng hóa phải bảo đảm đáp ứng các quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa.

Thứ hai là, điều chỉnh quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng bắt buộc trên nhãn gốc phải thể hiện 3 nội dung bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Cùng đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về ghi xuất xứ hàng hóa theo hướng: Ghi xuất xứ hàng hóa theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định mà Việt Nam ký kết tham gia. 

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Ví dụ như việc ứng dụng mã số mã vạch, QR Code... để cung cấp thông tin về nhãn hàng hóa và thông tin về truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

Cam Vinh được dán tem truy xuất nguồn gốc. (Ảnh minh hoạ)

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là bổ sung quy định để Bộ Y tế hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với một số mặt hàng thực phẩm. 

Mục đích là minh bạch hóa các quy định nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam nhưng cũng đảm bảo quy định phù hợp để vừa đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng không gây gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 43/2017/NĐ CP chỉ quy định cách ghi xuất xứ hàng hóa. Theo đó Doanh nghiệp phải tự xác định xuất xứ hàng hóa của mình theo các quy tắc xuất xứ, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Sau khi doanh nghiệp xác định được xuất xứ hàng hóa của mình thì theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp ghi/thể hiện xuất xứ trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo đúng đắn, trung thực. 

Tuy nhiên, quy định này bị một số doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng việc bổ sung nhãn phụ để bổ sung nội dung xuất xứ và gian lận về xuất xứ, không đúng nguồn gốc xuất xứ thực tế của hàng hóa.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận, cơ quan hải quan đã phải yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc trên nhãn gốc ngay tại thời điểm thông quan và xử phạt các trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc.

Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chân chính, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu nhưng trên nhãn hàng hóa tại thời điểm thông quan không thể hiện xuất xứ hàng hóa.

Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ CP doanh nghiệp được ghi bổ sung nhãn phụ tiếng Việt đối với nội dung xuất xứ còn thiếu nhưng phải đúng với xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu. 

Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp cũng đã xem xét và có ý kiến về vấn đề này và khẳng định nhãn hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu chưa có đủ nội dung bắt buộc là chưa vi phạm quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Sau đó, cơ quan hải quan cũng đã thu hồi lại các quyết định xử phạt không đúng quy định. Tuy nhiên, trước thực trạng lợi dụng việc ghi nhãn phụ để gian lận, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc thực tế này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong thời gian tới.

Cùng quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được sử dụng việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử.

Chính vì vậy cần phải bổ sung thêm nội dung tại Nghị định số 43 để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Việc ghi nhãn theo phương thức điện tử là tự nguyện áp dụng, không bắt buộc đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ. 

Đồng thời, quy định này của dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nội dung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý và tạo  thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để gian lận về xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định để xuất khẩu hàng hóa vào các nước khác.

Các nước này có cảnh báo về việc ghi nhãn không đúng quy định của nước đó, gian lận về ghi nhãn và nguồn gốc xuất xứ; cảnh báo nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chân chính trong nước.

Nhật Uyên
.
.
.