Những thay đổi về xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Thứ Tư, 27/11/2019, 09:14
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2018 xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt 106,69 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam XK đạt 41,26 tỷ USD, nhập khẩu đạt 65,43 tỷ USD, thâm hụt thương mại 24,17 tỷ USD.

“Trung Quốc đã có thay đổi một số quy định về nhập khẩu nông sản. Trong đó, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thay đổi chuyển chức năng quản lý từ Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm và kiểm dịch động thực vật, sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Từ ngày 1-10-2019, thực phẩm XK vào Trung Quốc đều phải tuân thủ quy định quản lý, giám sát”, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thông tin.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Quy định chung đối với việc XK nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm vào Trung Quốc phải được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y…) kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc thì mới được phép cấp mã số doanh nghiệp XK và mã số vùng trồng/nuôi. 

Đối với trái cây, Trung Quốc yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc như: vườn trồng có chứng nhận GAP, nhà đóng gói phải đạt tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm của Trung Quốc.

Ở mặt hàng lúa gạo và sản phẩm gạo, doanh nghiệp XK đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Việt Nam về chế biến gạo và các quy định của Trung Quốc. 

Hiện có 22 doanh nghiệp của Việt Nam đủ tiêu chuẩn được phép XK gạo vào Trung Quốc. Về ngành hàng thuỷ sản, Trung Quốc đang áp dụng thuế 0% đối với sản phẩm này, đây là một lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nhưng yêu cầu đặt ra, doanh nghiệp XK phải có điều kiện máy móc, trang thiết bị, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng…

Như Anh
.
.
.