Nhọc nhằn tìm thị trường cho trái cây tiêu chuẩn GAP

Thứ Năm, 15/06/2017, 09:57
ĐBSCL có nhiều loại trái cây đặc sản, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho trái cây là bài toán nan giải. Nhiều loại trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất tốt) đang nhọc nhằn ra thị trường…

Tỉnh Tiền Giang có trên 70.000ha trái cây các loại, hằng năm cho sản lượng trên 1,3 triệu tấn. Lợi thế là vậy, nhưng trái cây có thương hiệu đếm trên đầu ngón tay. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và xoài cát Hòa Lộc, hai loại trái cây được người tiêu dùng biết đến nhờ thâm niên có mặt trên thị trường và được ngành chức năng tỉnh chú trọng quảng bá.

Tuy nhiên, câu chuyện tìm thị trường vẫn còn lắm gian truân. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), cho biết: “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được đăng ký nhãn hiệu từ năm 2007. Từ đó đến nay, HTX cũng như các cơ quan nhà nước tham gia rất nhiều cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá đến khách hàng, người tiêu dùng. Nhiều khách hàng đến từ Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand, Nga.. tìm đến HTX đặt hàng số lượng lớn. Nhưng đến rồi lại đi, vì bên bán và bên mua không gặp nhau. Họ yêu cầu số lượng cung cấp ổn định, chất lượng an toàn, đặc biệt là vấn đề bảo quản trong quá trình vận chuyển được lâu, mình không làm được. Còn ở trong nước, trái vú sữa Lò Rèn cũng nhiều lần tiếp cận vào các siêu thị, nhưng cũng không trụ được lâu”.

Hiện nay, hầu hết diện tích trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP đều bán trôi nổi trên thị trường. HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng không dán nhãn mác để quảng bá thương hiệu của mình mà bán qua hệ thống các thương lái, chợ đầu mối…

Câu chuyện xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cũng chung số phận. Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc từ năm 2009 và được hỗ trợ quảng bá rộng rãi, nhưng trái xoài cũng chưa thể vươn xa. Bởi bảo quản sau thu hoạch và bảo quản trong quá trình vận chuyển đối với trái cây nhiều HTX chưa làm được.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc cho biết, thương hiệu trái xoài cát Hòa Lộc chưa thể khẳng định vị thế của mình. Đối tác đến tìm hiểu, đặt hợp đồng lớn, nhưng chúng tôi không thực hiện được vì không đủ số lượng, độ đồng đều, tính ổn định và bảo quản sau thu hoạch… Những yếu kém này đã làm vụt mất nhiều cơ hội làm ăn với đối tác lớn ở nước ngoài.

Thương lái mua khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Tân Phước (Tiền Giang).

Tại Bến Tre, nhiều trái cây đặc sản cũng có tiếng tăm trên thị trường, nhưng nhiều nhà vườn cũng nản lòng. Ông Trần Văn Lợt, Giám đốc HTX chôm chôm Sơn Định (ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre) cho biết, đối với nhà vườn, sản xuất GAP không khó về kỹ thuật, cái khó lớn nhất là thị trường tiêu thụ. HTX đang nỗ lực sản xuất để tới đây xin chứng nhận Global GAP.

Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chi phí tăng thêm 10%-20% so với sản xuất thông thường. Nhưng để mở rộng GAP còn là câu chuyện dài, vì hiện nay, nhiều mô hình GAP trở về “vạch xuất phát” do giá bán sản phẩm GAP bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, nhiều nông dân nản lòng quay về với sản xuất truyền thống.

Hiện nay, một số địa phương ĐBSCL có thế mạnh về cây ăn trái đã quy hoạch vùng trồng, theo hướng bền vững gắn với doanh nghiệp để tạo nên sản phẩm hàng hóa xuất khẩu lớn. Đây là lối mở cho nông sản GAP, theo nhà vườn mối liên kết nhà nông - doanh nghiệp phải tin tưởng tuyệt đối vào nhau để không đổ vỡ.

Theo ông Trần Văn Lợt Như (HTX chôm chôm Sơn Định), HTX vừa được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre kết nối với một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn tại huyện để doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; hỗ trợ nguồn kinh phí để HTX xúc tiến xin chứng nhận Global GAP.

“HTX hiện có 30,2ha chôm chôm. DN cam kết mua hết sản phẩm đạt chuẩn của nông dân với giá cao hơn thị trường. Đây là mong muốn lớn nhất của những nông dân làm GAP”- ông Lợt cho hay.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang), cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu trái thanh long của công ty gặp không ít gian nan. Sau khi có thương hiệu, nhiều đối tác tìm tới ký hợp đồng. Vì vậy, chúng tôi cần một sản lượng lớn, sản phẩm đồng đều và có chất lượng để xuất khẩu đi các nước. Nhiều đối tác của nước ngoài đến đặt hàng sản phẩm ổn định hàng tháng lên đến hàng trăm tấn. Hiện mỗi tháng, công ty bán khoảng 6.000-10.000 tấn thanh long ở thị trường nội địa, xuất khẩu”.

Tỉnh Tiền Giang có trên 6.000ha trồng thanh long, nếu có sự kết nối với Công ty Cát Tường thì nhà vườn dễ thở hơn.

TS Đoàn Hữu Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam), cho biết: “Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, trước mắt cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như: sản lượng lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh. Cụ thể như: tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ; sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, xây dựng và giữ vững thương hiệu; giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới”.

Còn theo ông Cao Văn Hóa, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, tỉnh hiện có trên 500ha được chứng nhận quy trình Global GAP, VietGAP, nhưng chỉ 100ha được tái chứng nhận. Nhiều loại đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, vú sữa Lò Rèn... nhưng thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, giá cả chưa hấp dẫn đối với người trồng. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung xây dựng vùng chuyên canh và chuỗi ngành hàng; phân vùng xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Tại các vùng chuyên canh, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật để sản xuất thuận tiện, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn; đặc biệt hệ thống đê bao cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái.

Khải Ca
.
.
.