Nhiều bất cập trong kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

Thứ Bảy, 03/11/2018, 08:00
Tại hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Aus4Reform tổ chức ngày 1-11 tại Hà Nội, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chỉ ra những bất cập cần có sự điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Hồng Uy, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng- Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã chỉ ra những bất cập trong kiểm dịch sản phẩm động vật đã qua chế biến. Theo quy định, một cái bánh quy hay một gói cà phê sữa trong thành phần có chứa vài giọt sữa, hay sản phẩm dinh dưỡng y tế vốn dĩ cực kỳ an toàn vì đã qua xử lý nhiệt và thành phần chỉ có chứa một lượng nhỏ đạm chiết suất từ sữa (casein) vẫn phải kiểm dịch động vật.

Việc kiểm tra “dàn hàng ngang” 100% không dựa theo nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế đang gây ra nhiều bất cập- vướng mắc cho cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.

Dự thảo 7.2 sửa đổi Thông tư 25/2016 đã có một tiến bộ là quản lý theo rủi ro khi chia ra các mặt hàng nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, ông Uy cho rằng, danh mục sản phẩm nguy cơ cao và nguy cơ thấp cần được làm rõ ràng.

Việc kiểm tra “dàn hàng ngang” 100% không dựa theo nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế đang gây ra nhiều bất cập vướng mắc cho cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch chồng lấn nhau. Bên cạnh đó, chi phí lấy mẫu kiểm nghiệp cho 5 mẫu với 5 xét nghiệm khác nhau rất tốn kém, lãng phí mà không hiệu quả. Thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tháng trong khi thời hạn chứng nhận chỉ có giá trị trong 2 tháng, đặc biệt, kiểm tra vi sinh 2 lần cho ra 2 loại giấy xác nhận khác nhau gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem.

Góp ý cho dự thảo, chuyên gia Phạm Thanh Bình nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng, bất cập trong lĩnh vực kiểm dịch thú y ở đây đó là phạm vi quá rộng, thủ tục quá phức tạp, chi phí quá cao.

Chuyên gia Nguyễn Huy Lưu cũng kiến nghị cần cải cách cụ thể trong việc cắt giảm danh mục, cải tiến trong cấp phép và kiểm tra hàng hoá tại cửa khẩu. Trong đó, áp dụng quản lý rủi ro, thu thập thông tin dữ liệu để xác định đối tượng trọng điểm như mặt hàng, nước xuất khẩu, DN có nguy cơ cao để áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra.

Lưu Hiệp
.
.
.