Nguyên liệu vàng trang sức trôi nổi tiếp tay cho buôn lậu
- Huy động 500 tấn vàng "ngủ" trong dân bằng cách nào?1
- Xuất hàng tấn vàng vẫn chây ỳ 250 tỷ đồng tiền thuế
- Ầm ĩ vì thông tin 1.000 tấn vàng nhập ròng
Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dựa trên số liệu thống kê từ các DN hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm.
Tuy nhiên, do từ nhiều năm nay, các DN không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nên các DN buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý thị trường vàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Mỗi năm, Việt Nam cần 20 tấn vàng để sản xuất trang sức, mỹ nghệ. |
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tính toán: Trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 - 30%, còn 70 - 75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70 - 100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn vàng.
Vì nhu cầu lớn mà thời gian qua, NHNN cấm các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu nên để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các DN sản xuất vàng trang sức đã phải mua trôi nổi trên thị trường, chấp nhận giá cao. “Cái hại của việc mua trôi nổi, thứ nhất là không ổn định nguồn nguyên liệu; thứ hai không tính toán được hiệu quả vì giá vàng trôi nổi cao hơn nhiều giá quốc tế, không ổn định.
Đấy là chưa kể rủi ro cao hơn vì vàng thật, vàng giả. Tóm lại, từ tác hại của mua vàng trôi nổi là giá cao hơn, rủi ro lớn hơn, nguyên liệu không ổn định… nên khiến DN kinh doanh vàng trang sức gặp khó khăn”, ông Bảng nhận xét.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều DN đã phải đóng cửa ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác, do không có vàng nguyên liệu và không được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức.
Điều này đã khiến hàng nghìn lao động trong ngành vàng bạc đá quý không có việc làm, đồng thời khiến ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu xa so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh cho biết hơn, 2/3 trong tổng số gần 3.000 DN kinh doanh vàng và trang sức ở thành phố đang bế tắc trong kinh doanh, do bị chặn nguồn vốn sản xuất; bị cạnh tranh gay gắt từ vàng trang sức Trung Quốc.
Hiệp hội này cũng cho rằng nếu NHNN cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu thì cũng không đáng ngại. Bởi vì, với việc giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế như hiện nay, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng quốc tế thì hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.
Trong thời gian trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước thì NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Một vấn đề nữa, đó là theo quy định thì NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho vay vốn để DN mua vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể.
Nhưng hơn 4 năm nay chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
“Trên thực tế, ngành vàng nữ trang cũng giống như các ngành kinh tế khác, hoạt động bình đẳng theo Luật DN. Nếu cơ quan chức năng hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các DN nữ trang thì sẽ không thực sự công bằng đối với những DN này. Bởi vậy, đã đến lúc Nhà nước cần tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách cho các DN để tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, phấn đấu xây dựng ngành vàng nữ trang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như các quốc gia trong khu vực, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tái tạo ngoại tệ cho đất nước và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước” - Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị.
Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu vàng trang sức xuống 0% Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTC ngày 23-3-2015 của Bộ Tài chính, vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên đang chịu thuế suất xuất khẩu là 2%. Với mức thuế suất này, các doanh nghiệp không xuất khẩu được mặt hàng này, bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt Nam (thuế xuất khẩu bằng 0, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, hoặc được tự do nhập khẩu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…) và đang thống lĩnh xuất khẩu các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ trên thế giới, kể cả vàng trang sức có hàm lượng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu gần như hoàn toàn vàng, đá quý, đá bán quý, thạch cao, nước xi…, mà giá của các loại nguyên liệu này liên tục biến động. Hơn nữa, hiện nay chênh lệch giá mua, bán vàng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1.000. Vì vậy, việc xem xét giảm thuế xuất khẩu xuống 0% như những năm trước năm 2015 là rất cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, góp phần tái tạo ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. (H.A.) |