Người tiêu dùng bất an vì xe điện nhập lậu

Thứ Ba, 29/09/2020, 08:28
Các loại xe điện (xe đạp điện, xe máy điện) có ưu điểm thân thiện với môi trường và là lựa chọn hàng đầu của giới học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng xe điện có dấu hiệu giả mạo, gian lận nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn chất lượng, trở thành nỗi lo của người tiêu dùng (NTD) bởi nguy cơ cháy nổ, gây tai nạn giao thông luôn rình rập.


Khảo sát thị trường TP Hồ Chí Minh, PV Báo CAND nhận thấy, các cửa hàng, đại lý bán rất đa dạng thương hiệu xe đạp điện, xe máy điện, với mẫu mã, thiết kế vô cùng bắt mắt. Nhiều loại xe máy điện được chủ cửa hàng giới thiệu có công nghệ Đức, Ý, Nhật…, có thể leo dốc, chở nặng, vận tốc cao từ 40-60km/giờ, mỗi lần sạc chạy đến 80-90km, chế độ bảo hành dài từ 2-3 năm, chất lượng không thua gì xe số, xe tay ga chạy bằng xăng, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều.

Xe máy điện có giá từ 12 triệu đồng đến 60-70 triệu đồng/chiếc, xe đạp điện khoảng trên dưới 10 triệu đồng/chiếc. 

Chị Trần Thị Nga (ngụ quận 3) cho biết, lúc trước chị mua cho con gái một chiếc xe máy điện, dáng thời trang với giá 15,5 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng tư vấn, xe chạy được khoảng 90 - 100km/lần sạc, thời hạn bảo hành 24 tháng. Tuy nhiên, khi sử dụng chưa tới một năm, bình điện đã bị xuống cấp, có nguy cơ hư hỏng bất cứ lúc nào nên gia đình chỉ dám đi gần, còn nếu đi quãng đường xa thì sử dụng xe máy chạy xăng chứ không dám đi xe điện.

Trong khi đó, nếu thay bình điện thì giá cũng không hề rẻ, thấp nhất là 2 triệu đồng, nếu bình điện chất lượng cao thì giá cao hơn nhiều lần. Với trường hợp này, anh T - chủ cửa hàng kinh doanh xe máy điện ở quận 5 cho rằng có thể chị Nga đã mua phải hàng… lậu, hàng kém chất lượng nên mới có tình trạng sản phẩm trong thời hạn còn bảo hành mà đã xuống cấp, có nguy cơ hư hỏng.

Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ phụ tùng xe máy, xe điện không có hóa đơn chứng từ tại các điểm bán khu vực chợ Tân Thành.

Theo thông tin từ các DN kinh doanh xe điện, hiện xe điện và linh kiện xe điện nhập lậu khoảng 90%. Để vào được thị trường nội địa, thủ đoạn phổ biến nhất mà các đối tượng áp dụng là khai thuế thấp hơn giá trị thực tế, để trục lợi phần chênh lệch. Ngoài nhập lậu theo đường hải quan, xe nhập lậu còn tuồn vào thị trường Việt Nam theo các đường tiểu ngạch qua biên giới.

Theo quy định của Bộ GTVT, tất cả các dòng xe khi bán ra thị trường đều phải được kiểm tra đánh giá chất lượng qua Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện nay phần lớn số xe đạp điện bán trên thị trường không có tem hợp quy (không qua kiểm tra chất lượng của Cục đăng kiểm). Giải thích vấn đề này, một chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp điện ở quận 3, cho biết với xe đạp điện, theo quy định hiện hành chưa yêu cầu khách hàng phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện, nên khách hàng cũng không quan tâm đến tem nhãn (?).

Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng nhập lậu nhằm trục lợi. Còn với xe máy điện, các đơn vị nhập lậu khi thông quan sẽ khai thấp hơn giá trị thực nhập từ 30% - 50% để trục lợi phần chênh lệch từ thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu, trốn thuế bằng việc xuất hóa đơn không đúng với giá nhập thực tế gây thất thoát một nguồn thu lớn của Nhà nước.

Ngoài ra, xe nhập lậu này cũng đã làm loạn thị trường khi làm nhái mẫu hay thương hiệu xe của Việt Nam. Số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm 2019 cho thấy, thị trường xe điện tại Việt Nam (bao gồm cả xe máy 50cc) có khoảng 530.000 xe. Thế nhưng, trên thực tế số lượng xe bán ra thị trường năm 2019 từ 1 triệu đến 1,2 triệu xe.

Do sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng mang lại khoản siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện, mặc dù biết rõ đã vi phạm pháp luật. Thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do các loại phụ tùng giả, kém chất lượng gây ra như: Cháy nổ xe, gãy trục xe... gây tai nạn và tổn thất cho người sử dụng cũng như an toàn xã hội.

Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu là phụ tùng xe máy, xe điện, Tổng cục QLTT (QLTT) đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh nhanh chóng vào cuộc.

Ngày 8/9 vừa qua, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra 7 điểm (gồm cửa hàng, hộ kinh doanh, công ty) kinh doanh các mặt hàng này ở các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Tân Thành (quận 5) – chợ phụ tùng xe máy lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 33.069 sản phẩm chủ yếu là bi nồi, tay thắng, bố thắng, chén cổ, phuộc; bóng đèn led, heo dầu, đĩa thắng, thanh Catte, đồng hồ contơmét...

Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu của hãng nổi tiếng thế giới. Tại thời điểm kiểm tra, QLTT phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng phát hiện các cửa hàng trên thiết lập một số website như www.vutru.vn; www.xemayanhem.vn; www.phutunganhem.vn để giới thiệu và đăng bán sản phẩm, nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Để vấn nạn hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng còn tràn lan thị trường, các DN cho rằng, cần có sự chung tay vào cuộc từ các cơ quan chức năng. Theo đó, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, các tuyến đường hàng lậu xuyên biên giới để giảm thiểu hàng nhập lậu vào Việt Nam.

Tại thị trường nội địa, kiểm soát ngay tại các điểm bán, showroom trưng bày, đại lý. Nếu sản phẩm đã được cơ quan đăng kiểm cấp tem phiếu đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật thì trên xe máy điện có “Phiếu xuất xưởng” và trên xe đạp điện có “Tem hợp quy”. Bên cạnh đó, các DN chính hãng trong nước cần bắt tay nhau lên án, tố cáo các đơn vị nhập lậu gây lũng loạn thị trường xe điện hiện nay.

Thúy Hà
.
.
.