Ngành thực phẩm đang hút vốn “ngoại”
- Vinamilk dẫn đầu Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm Việt Nam
- Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2017
“Trong thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam với mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình từ năm 2012-2016 đạt 6,94%/năm đối với thực phẩm chế biến, tăng 9,48% đối với đồ uống. Tuy vậy, thị trường thực phẩm Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất nhiều tiềm năng”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.
Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP cả nước, trong 9 tháng của năm 2017 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng của sản lượng sản xuất ngành chế biến thực phẩm mới chỉ tăng 9%, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
Còn thị trường xuất khẩu, với vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không cao.
Thiết bị công nghệ hiện đại dùng trong đóng gói thực phẩm chế biến, DN ngoại trưng bày tại triển lãm Vietnam FoodExpo 2017. |
Chính vì có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng DN trong nước chưa có cách khai thác hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, nên đây chính là thị trường tiềm năng, có nhiều khoảng trống nên đã thu hút không ít các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào khai thác thị phần thực phẩm chế biến.
Tính đến cuối tháng 10-2017, có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 312,91 tỷ USD. Riêng ngành chế biến thực phẩm có 295 dự án với hơn 4 tỷ USD vốn đăng ký. Đặc biệt, riêng trong tháng 10 - 2017, có hơn 40 dự án với hơn 356 triệu USD vốn đăng ký (tăng 11,5% về số vốn và 12,1,% về số dự án so cùng kỳ 2016).
“Tất cả số liệu trên cho thấy tiềm năng đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn rất lớn không chỉ tiêu dùng nội địa mà còn đầu tư để xuất khẩu sang các nước khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng đây là cơ hội để khai thác, đầu tư vào ngành thực phẩm chế biến tại Việt Nam. Đồng thời các DN, tổ chức, địa phương ở Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư ở nước ngoài cũng cần chủ động xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Là quốc gia nhiệt đới, dân số đông, tốc độ tăng trưởng trung bình trong những năm qua đạt khoảng 6,5%/năm. Thói quen sử dụng thực phẩm nhanh của người dân Việt Nam đã trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, một số ngành thực phẩm hiện đang có tiềm năng rất lớn như: Sữa (năm 2016 tiêu dùng 23 lít/người, dự báo tiêu dùng 27-28lít/người vào năm 2020), bánh kẹo (tiêu thụ tại Việt Nam dự báo tăng khoảng 10%/năm); dầu thực vật (hiện tiêu thụ 12kg/người/năm, đến 2020 lên 17kg/người); nước giải khát (năm 2015 là 4,8 tỷ lít, dự kiến đến năm 2020 đạt 6,8 tỷ lít). Với những con số trên cho thấy, đây là thị trường lớn đối với ngành thực phẩm chế biến.
“Bên cạnh những thuận lợi trên thì các DN trong ngành chế biến thực phẩm cũng không gặp ít thách thức. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng cạnh tranh cao và gay gắt. Việc tham gia WTO, các mặt hàng này sẽ giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh với các DN trong nước. Thách thức nữa, đó là nguồn nguyên liệu trong nước thiếu, và không ổn định. Nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn. Điều này cho thấy DN không chủ động được số lượng, chất lượng và giá nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN. Chẳng hạn như ngành sữa, nhập khẩu sữa tươi và nguyên liệu sữa 60%, nguyên liệu sản xuất bia nhập khẩu 75%, nguyên liệu dầu thực vật nhập khẩu 75%”, ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương khẳng định.
Về định hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, theo ông Bùi Trường Thắng, cần sử dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa nguyên liệu trong nước để tạo ra sản phẩm đa dạng và vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm cần đặc biệt quan tâm. Song song đó, DN phải có khả năng phát triển bền vững và cạnh tranh cao để hội nhập khu vực và thế giới.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm, Chính phủ đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng, giá thuê đất... cho các DN tham gia đầu tư chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực có áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất chế biến, góp phần xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Tại Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017(Vietnam FoodExpo 2017) do Bộ Công thương tổ chức, ông Bertrand Lortholary - Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tương lai kinh tế xán lạn và có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư. Đại sứ cho rằng với kinh nghiệm và năng lực của mình, các doanh nghiệp Pháp chắc chắn đáp ứng được nhu cầu về công nghệ và đầu tư ở thị trường Việt Nam. |