Ngăn chặn nhiều vụ buôn lậu qua xuất nhập khẩu

Thứ Sáu, 17/01/2020, 07:49
Buôn lậu qua hoạt động xuất nhập khẩu không phải là mới, song ngày càng tinh vi, đối tượng lợi dụng vào chính sách thủ tục hải quan thông thoáng để gian lận về số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá, mức thuế của hàng hóa để trục lợi. Hiện tượng sử dụng hóa đơn quay vòng để hợp thức hóa hàng lậu ngày càng gia tăng, khó kiểm soát.


Gia tăng tình trạng giả xuất xứ hàng hóa để trục lợi

Đi dọc bờ sông Ka Long, TP Móng Cái, Quảng Ninh vào thời điểm giáp Tết, tàu thuyền chở hàng đã giảm nhiều so với trước đây. Đại úy Ngô Quang Đại, Phó Trạm trưởng Trạm biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, kiêm Tổ trưởng phụ trách Cửa khẩu Bắc Luân 2 cho biết, đây là cửa khẩu chuyên xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá, trung bình 1 ngày có khoảng 100 container làm thủ tục, tuy nhiên vào ngày cuối tuần và đầu tuần lên tới 200 container.

Hàng hoá qua đây chủ yếu là sợi, dệt may, nguyên liệu sản xuất cho ngành may, ngành da giầy phục vụ cho Khu Công nghiệp Hải Hà, khi hàng thành phẩm lại xuất sang Trung Quốc. Còn hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nông sản, trái cây, trái cây sấy khô như mít sấy, mít bánh kẹo, cà phê.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hoá lợi dụng quy định thông thoáng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đối tượng núp bóng doanh nghiệp để gian lận thương mại, trốn thuế trong quá trình nhập khẩu hàng hoá.

Khu vực tàu thuyền hoạt động tạm nhập tái xuất trên sông Bắc Luân.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Móng Cái, thủ đoạn của các đối tượng là kê khai sai về số lượng, mã hàng, chủng loại, xuất xứ, trị giá, mức thuế suất, hoặc tháo rời nhập khẩu linh kiện, phụ tùng… để trốn thuế, hoặc được áp mức thuế thấp hơn so với thực tế để trục lợi. Điển hình là Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái phối hợp cùng Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phát hiện và xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH 1 thành viên Thương mại quốc tế Thuận An về hành vi vi phạm hành chính.

“Doanh nghiệp cố ý khai sai khác về số lượng hàng hoá nhập khẩu để trốn thuế, gian lận thuế. Theo đó, mức phạt là hơn 10 triệu đồng, bằng 1 lần số tiền thuế khai thiếu” - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái Nguyễn Văn Hoàn cho biết.

Ngoài ra, trong tháng 9-2019, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện và xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Thương mại quốc tế Minh Phong MC vì không khai, khai sai khác về tên hàng, số lượng, chủng loại hàng hoá nhập khẩu mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan thuộc 2 tờ khai. Tuy nhiên, ở vụ việc này, doanh nghiệp đã tự nguyện nộp đủ tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm.

Khó xử lý quay vòng hóa đơn

Do phía Trung Quốc tăng cường hoạt động chống buôn lậu và thắt chặt bằng cách hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu “nhãn hiệu nhận dạng mặt hàng” mà Cục Hải quan Trung Quốc quy định mới được thông quan, nên nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu cao, điều kiện nhập khẩu nghiêm ngặt, doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức kinh doanh này để gian lận thương mại, sử dụng hoá đơn “quay vòng”, hoá đơn bán lẻ của các hộ kinh doanh cá thể để đối phó với các lực lượng chức năng khi vận chuyển hàng vào nội địa. Tuy nhiên, để xử lý được các đối tượng quay vòng hóa đơn là rất khó.

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, vi phạm chủ yếu nữa là khai sai xuất xứ hàng hóa thuộc các nhóm hàng gửi kho ngoại quan như khai báo không đúng về xuất xứ của các nước trên tờ khai so với nội dung xuất xứ ghi trên nhãn hàng.

Không những vậy, một số mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại ghi sẵn dòng chữ “Made in Viet Nam”, “sản xuất tại Viet Nam”, rồi “xuất xứ Viet Nam” hoặc ghi trên sản phẩm và bao bì, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu…

Mặt khác, khai báo xuất xứ Việt Nam nhưng sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều quốc gia được gia công đơn giản, chưa đủ tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. “Qua đấu tranh, Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 13 doanh nghiệp liên quan đến khai báo sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Trong số này có 8 doanh nghiệp vi phạm về khai báo sai xuất xứ đối với hàng gửi kho ngoại quan; 2 doanh nghiệp vi phạm về buôn bán hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, xuất xứ; 3 doanh nghiệp vi phạm khai sai về xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế” - ông Nghiên nhấn mạnh.

Không chỉ phát hiện các sai phạm trong khâu thông quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã triển khai các giải pháp nhằm thu thập thông tin; lựa chọn nội dung kiểm tra về chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động XNK, đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu. Kết quả, Chi cục đã thực hiện kiểm tra về xuất xứ hàng hóa đối với 2 doanh nghiệp, trong đó phát hiện một doanh nghiệp khai báo sai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, truy thu, xử phạt vi phạm hành chính hơn 350 triệu đồng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, xây dựng chuyên án, kịp thời phát hiện những trường hợp vận chuyển hàng hóa gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các Chi cục hải quan cửa khẩu kiểm soát chặt đối với hàng nhập khẩu có nguy cơ giả mạo khai báo xuất xứ Việt Nam cũng như cung cấp các thông tin xử lý gian lận về hàng hóa XNK cho cơ quan thuế để tăng cường quản lý, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng xuất khẩu qua cửa khẩu phụ.

Lưu Hiệp- Minh Thư
.
.
.