Mở rộng thị trường cho nông sản chế biến sâu
Một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có những thay đổi tích cực về mặt nhận thức trong việc vừa chế biến sâu nông sản, vừa mở rộng thị trường XKlớn.
Theo bà Nguyễn Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), hiện nay Việt Nam XK khoảng 90-95% hạt điều bán thành phẩm (điều sống) nhưng phần lớn không có thương hiệu trên thị trường.
Vì vậy, để tạo sự khác biệt, công ty đã sản xuất sản phẩm hạt điều rang để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài làm thương hiệu, công ty đãđầu tư máy móc, công nghệ để chế biến sâu những sản phẩm hạt điều nhằm tạo ra giá trị cao.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Tomcare (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để tạo sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại, công ty đã sản xuất sản phẩm tương ớt trải qua quá trình ủ lên men tự nhiên, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, tạo ra độ cay phù hợp chuẩn vị quốc tế. Hiện, tại thị trường nội địa, sản phẩm đã được bán qua các hệ thống siêu thị và có mặt ở nhiều sàn thương mại điện tử...
Ngoài ra, công ty cũng đã XK sang Autralia, đưa mẫu sang một số thị trường như Canada, Mỹ, Cộng hòa Séc, Đức, Trung Quốc và được khách hàng rất ưa thích.
Việc chế biến sâu các mặt hàng nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mà trên thực tế còn “giải cứu” kịp thời một số mặt hàng nông sản bị ứ đọng do rơi vào cảnh “được mùa mất giá” hoặc không XK được.
Điển hình như đầu tháng 4/2021, nông dân trồng ớt ở Bình Định rơi vào cảnh khốn đốn khi nghe thông tin không XK ớt được sang thị trường Trung Quốc. Thông tin này đã khiến giá ớt tại đây “rớt” không phanh, giảm 50-70% so với đầu vụ nhưng tiêu thụ cũng không đáng kể.
Trước tình hình này, một số DN chế biến cũng đã tăng cường thu mua, tiêu thụ phần nào sản lượng ứ thừa trong dân, để sản xuất ra các sản phẩm như ớt xay, ớt bằm, tương ớt... cung cấp cho thị trường trong nước và XK.
Theo nhận định của nhiều DN, các sản phẩm nông sản chế biến sâu vừa tận dụng được hết các nguyên liệu, vừa tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao không chỉ giúp DN rộng cửa vươn xa đến những thị trường XK mà còn giúp nông dân có tăng thu nhập.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: “Việt Nam có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở đường cho DN Việt Nam gia tăng XK, nhưng so với các năm trước thì không bằng do ảnh hưởng dịch COVID-19, DN vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, giải pháp đặt ra trong thời điểm hiện nay đó là thay vì chỉ XK tươi, DN cần tăng cường đầu tư cho ngành chế biến”.