Lo mất mùa trái cây Tết vì thời tiết thất thường
- Nông dân thiệt hại tiền tỷ vì thanh trà mất mùa
- Dưa hấu “mất mùa, mất giá”, nông dân thua lỗ
- Mất mùa lúa vì nguồn nước ô nhiễm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nơi tại ĐBSCL sản lượng trái cây phục vụ cho thị trường Tết giảm trên 50% so với các năm trước. Tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) - nơi được mệnh danh là “vương quốc xoài” nhưng năm nay nhiều nhà vườn có thâm niên vẫn phải chịu cảnh trắng tay vụ xoài Tết.
Ông Lê Đức Đạt (Tổ hợp tác sản xuất xoài Hòa Lợi, xã Hòa An, TP Cao Lãnh) cho biết: “Với 5.000m² trồng xoài Cát Chu và xoài Đài Loan, Tết năm ngoái gia đình tôi thu về gần 200 triệu. Còn năm nay, đến thời điểm hiện tại, dù đã xử lí ra hoa nhiều lần nhưng vườn xoài vẫn không cho trái”.
Nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ lo mất mùa trái cây Tết vì thời tiết thất thường. |
Nói về nguyên nhân xoài mất mùa, ông Đạt cho rằng, do vào thời điểm xử lý cho cây ra hoa thì mưa nhiều, sau đó lại nắng dữ dội, cộng với cơn bão vào tháng 10 (âm lịch) gây cháy bông, không đậu trái hoặc đậu trái non mấy hôm thì bị héo rồi rụng sạch. Rất nhiều thành viên trong tổ đã phải tìm sinh kế khác để có tiền tiêu Tết, chứ không còn trông chờ vào vụ xoài tết nữa.
Vùng chuyên canh quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cũng đang mất mùa. Trong 10 vườn thì chỉ có từ 3-5 vườn đạt sản lượng như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Vũ (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho biết: “Đợt hạn hán gay gắt hồi đầu năm đã khiến hàng loạt vườn quýt hồng bị rụng bông, không đậu trái. Sau đó, nhà vườn đã xử lý nhiều biện pháp hồi phục nhưng hiệu quả mang lại không như ý. Ước tính sản lượng trái giảm từ 30% so các năm trước”.
Là người dày dạn kinh nghiệm trong việc “điều khiển” cho bưởi ra hoa, kết trái đúng dịp Tết, nhưng năm nay ông Võ Trung Thành (Chủ nhiệm CLB sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) cũng phải bó tay: “Mọi năm, sản lượng bưởi hồ lô mà CLB cung ứng cho thị trường khoảng 10.000 trái, nhưng dự kiến năm nay sản lượng giảm gần 5 lần, chỉ còn khoảng 2.000 trái. Do mưa kéo dài (cơn bão số 1) đã khiến cho bưởi ra hoa tự nhiên dẫn đến sai lịch thời vụ”.
Ông Trần Thanh Liêm (ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi thấy thời tiết rất thất thường, vẫn còn mưa nhiều. Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian xuống giống và độ lớn của dưa, nếu không chủ động ứng phó sẽ bị tình trạng dưa không chín kịp Tết”.
Do trái cây khan hiếm, nên giá các mặt hàng trái cây cũng đang bắt đầu “rục rịch” tăng nhẹ. Mặc dù Tết chưa đến, nhưng quýt đường đã được thương lái thu mua với giá 15.000-25.000đ/kg. Riêng quýt hồng, do năm nay số lượng ít nên nhà vườn muốn giữ lại vào thời điểm cận Tết mới bán.
Hiện xoài Cát Chu đã được thương lái mua với giá 27.000đ/kg (xoài có bao) và 18.00đ/kg (xoài không bao), xoài Đài Loan có giá từ 25.000-31.000đ/kg.
Theo anh Đinh Hoàng Nam (chủ vựa trái cây tại xã Phú Hữu), thị trường bưởi tết năm nay sẽ rất hút hàng, do sản lượng bưởi tương đối ít. Do đó, giá bưởi ngay từ thời điểm này đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ. Cụ thể, giá bưởi mà các vựa hiện đang thu mua đối với bưởi hạng nhất (trọng lượng 1kg trở lên) có giá từ 20.000 – 25.000đ/kg; bưởi hạng nhì (800g – 1kg) có giá 10.000 đ/kg; bưởi đạn (dưới 800g) có giá 4.000 đ/kg. Mức giá này sẽ tăng mạnh ở gần cuối năm.
Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: “Vụ trái cây Tết năm nay toàn huyện chỉ có khoảng 1.300 tấn bưởi, trên 500 tấn xoài, trên 1.000 tấn cam sành. Giảm khoảng từ 20 - 30% sản lượng so với mọi năm”.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trái cây tết trên địa bàn giảm mạnh, ông Đức cho rằng, yếu tố thời tiết thất thường được cho là nguyên nhân chính. Tuy nhiên bên cạnh đó việc các vườn trái cây trên địa bàn đã “lão hóa”, khả năng cho trái giảm… Trước tình hình trên, dự đoán năm nay giá trái cây sẽ tăng mạnh vào vời điểm cuối năm.