Làm gì để đánh thức tiềm năng du lịch Việt?(bài cuối)
Năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đón trên 7,94 triệu lượt khách quốc tế; 57 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 338 nghìn tỉ đồng.
Thế nhưng, so với các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5 về số lượng khách du lịch quốc tế, chỉ bằng 27 % của Thái Lan, 31% của Malaysia và 52% so với Singapore, trong khi xét về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống, chúng ta không hề thua kém.
Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều, song điểm trừ của du lịch Việt chính là sự tụt hậu trong cung cấp dịch vụ và những điều kiện tạo nên sức hấp dẫn từ con người, môi trường đều yếu và thiếu.
Đáng lo ngại nhất chính là thái độ phục vụ cùng với tình trạng mất vệ sinh ô nhiễm môi trường ở không ít điểm du lịch. Sự tụt hậu về thái độ thiếu niềm nở, không trân trọng du khách càng đẩy du lịch Việt Nam ra xa khỏi danh mục xếp hạng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực chứ chưa nói tới quốc tế.
Du khách Châu Âu, Pháp rất thích tới những vùng quê Việt Nam. |
Lý giải về vấn đề nhiều khách du lịch quốc tế không muốn quay lại Việt Nam, bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp Thị & Truyền Thông Fiditour cho rằng, do tình trạng “chặt chém”, cướp giật, ô nhiễm môi trường, khách sạn/resort không đáp ứng đủ nhu cầu vào mùa cao điểm, các hoạt động vui chơi giải trí còn đơn điệu và thiếu chuyên nghiệp,...
Đơn cử như Phú Quốc và Côn Đảo đều là những điểm du lịch biển nổi bật của nước ta do sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ song chỗ vui chơi giải trí còn quá ít, đường đi ngổn ngang sửa đi sửa lại vẫn chưa xong.
Nhiều khách ngoại của phản ánh đến đây đều phàn nàn rằng không thể mua quà lưu niệm, bởi chỉ có vài cửa hàng nghèo nàn bán hải sản khô hay đồ trang trí bằng vỏ trai, vỏ ốc và cũng không có nhiều chỗ giải trí khuya vì cả hai nơi đều chỉ có khu chợ đêm bán hải sản là hơi đông đúc với vài ba quán cà phê, quán bar nhỏ còn sau 22h thì tất cả đều đóng cửa.
Việt Nam có thể nói là quốc gia sở hữu bờ biển dài và đẹp ở châu Á nhưng ngoài khai thác sản phẩm cần quan tâm bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Các sản phẩm không chỉ cần đẹp, sạch để du khách mong muốn đến và yên tâm sử dụng mà còn cần tăng cường thêm các hoạt động trải nghiệm giúp du khách có thêm dịch vụ tại điểm đến và địa phương có thêm doanh thu từ du lịch.
Phó chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, người dân địa phương là trung tâm, họ là người truyền tải văn hoá, thông điệp về con người và cuộc sống của vùng đất tới du khách.
Nếu cộng đồng hiểu và biết hy sinh lợi ích để làm du lịch thì môi trường du lịch ở địa phương, vùng đó sẽ khác. Như phát triển du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hoà Bình) được đánh giá là khá thành công, ở đó người dân sẽ được hưởng lợi từ du khách, khi khách đến chơi, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động dã ngoại ở đây, khách du lịch sẽ sử dụng dịch vụ, ban đầu thì ít nhưng sau tăng dần.
Giữ được nếp sống chung, văn hoá, và các dịch vụ du lịch đảm bảo sẽ giữ chân du khách và khách quay trở lại.Theo đó, người dân sẽ sống được bằng làm du lịch.
Vịnh Lan Hạ (Cát Bà - Hải Phòng) điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong năm 2016. |
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, chính quyền địa phương cần kết hợp với ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch tổ chức những buổi nói chuyện nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các di sản văn hóa và giá trị văn hóa, xây dựng thái độ ứng xử văn minh của cộng đồng dân cư địa phương.
Đặc biệt, việc chung tay tổ chức các chương trình đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ cho người dân, đặc biệt ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn là rất cần thiết.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết 9 tháng đầu năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7.265.000 lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015, khách nội địa đạt 48,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 297.161 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ triển khai một loạt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; các cơ sở lưu trú có 580.000 buồng, trong đó 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, giải quyết công ăn, việc làm cho khoảng 3 triệu người.
Ngành Du lịch cũng sẽ phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.
Với chiến dịch thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng các cơ sở lưu trú trên toàn quốc, đặc biệt là những địa bàn du lịch trọng điểm, thu hồi hạng sao những cơ sở lưu trú không còn đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, đón các đoàn famtrip đến khảo sát du lịch Việt Nam, công bố phim quảng bá du lịch nhằm thu hút nhiều khách du lịch đến Việt Nam hơn nữa.
Trước thực trạng phát triển du lịch hiện nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, muốn phát triển du lịch quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.
Thứ hai là coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải. Trong đó, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra 7 nỗi sợ khiến 70% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không dám quay lại và 3 điểm cốt tử của du lịch Việt đó là, “Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng”. Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương thì 90% khách quốc tế đến Việt Nam là lần đầu và chỉ có 6% là quay lại. Những nỗi sợ được liệt kê là cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh không sạch, ô nhiễm môi trường. Những nỗi sợ này kéo chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xuống vị trí 75/141 nước tham gia đánh giá. Chỉ trên Lào và Myanma. Trong khi tiềm năng du lịch của nước ta lại được đánh giá cao. |