Lãi suất huy động xuống dưới 3%

Thứ Tư, 09/09/2020, 08:32
Sản xuất khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm sút kéo mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm. Những ngày đầu tháng 9, thị trường ghi nhận lãi suất huy động kỳ ngắn hạn xuống dưới 3%- một mức thấp không tưởng.

Theo biểu lãi suất tháng 9 của Techcombank, lãi suất tại nhiều kỳ hạn giảm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm so với cuối tháng 8, ở mức thấp nhất thị trường, thấp hơn cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng khi gửi tại quầy đối với khách hàng bình thường của Techcombank giảm 0,3 - 0,45 điểm phần trăm so với tháng 8. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ với kỳ hạn 1 tháng chỉ còn được hưởng lãi suất 2,85%/năm, gửi trên 3 tỷ chỉ được lãi suất 3,2%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 2 tháng - 5 tháng của Techcombank giảm 0,2-0,35 điểm phần trăm xuống còn 3,05-3,4%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 5%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh 0,4%/năm xuống còn 4,6-5,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 4,9-5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 18 tháng - 23 tháng giảm 0,05%/năm xuống còn 4,95%-5,45%/năm.

Trước đó, trong nửa cuối tháng 8, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, TPBank,… cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ngày càng xuống thấp và cách xa mức trần quy định 4,75%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng chỉ phổ biến từ 2,85-4%/năm.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động liên tục giảm sâu trong thời gian qua là do các ngân hàng đang thừa vốn, trong khi đầu ra tín dụng tăng rất chậm bởi doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2020, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt trên 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 4,75% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng 6 tháng đầu năm mới chỉ tăng 3,65%.

Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết lãi suất huy động có xu hướng giảm trong tháng 8 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm Ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,05%; lãi suất của nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm mạnh nhất 0,23% và nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tăng 0,18%.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động có xu hướng giảm ở nhóm Ngân hàng TMCP với mức giảm dao động từ 0,09% đến 0,27%. Ngược lại, lãi suất huy động của nhóm Ngân hàng gốc quốc doanh lại tăng 0,2%. “Lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc vốn huy động tăng lên.

Lãi suất huy động thấp, theo quy luật sẽ kéo lãi suất cho vay ra nền kinh tế giảm. Số liệu của NHNN cho biết mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, mức tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực là 5,0%/năm. “Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD cũng có xu hướng giảm so với đầu năm, riêng lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái.

Công bố của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 3-2020 cho thấy lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%/năm, tương đương Philippines (7,13%/năm), thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực như Indonesia, Mông Cổ, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar....”, NHNN cho biết.

Thực tế, dù lãi suất cho vay có giảm, song chủ yếu giảm ở các lĩnh vực ưu tiên, còn mức lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác vẫn còn khá cao. VCCI cho biết, mức lãi suất hiện tại còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và kiến nghị doanh nghiệp mong chờ mặt bằng cho vay ở mức 4-5% với tiền đồng và 2-3% với vay USD.

Nhiều cử tri tỉnh Gia Lai mới đây cũng kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại phát huy quan hệ đồng hành, cộng sinh, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất thêm từ 2%/năm trở lên đối với khoản vay mới và vay hiện hữu. Còn tại kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý cần điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra.

Thủ tướng yêu cầu NHNN phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến...

Trước đó, hồi đầu tháng 7, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng cho biết, Hội đồng tư vấn đã thống nhất đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Hà An
.
.
.