Lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm?

Thứ Ba, 19/01/2016, 08:48
Đây là nhận định được cho là có cơ sở của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại bản Báo cáo năm 2015 - Triển vọng 2016 vừa phát hành. Theo đó, với thực tế cuộc đua tăng lãi suất huy động đang diễn ra trên thị trường ngân hàng, cơ quan này đã đưa ra dự báo: “Ở kịch bản cơ sở, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016”.


Lãi suất tăng dần đều

Dường như đã trở thành thông lệ, cứ vào dịp sát Tết Nguyên đán, cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường ngân hàng lại diễn ra trên diện rộng với sự góp mặt của hàng loạt nhà băng lớn và nhỏ. Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng lãi suất vào ngày 24-12-2015, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) tiếp tục công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 11-1-2016 với mức tăng từ 0,1%/năm đến 0,35%/năm.

Năm 2016, áp lực tăng lãi suất đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng công bố bảng lãi suất mới áp dụng kể từ ngày 8-1-2016, tăng 0,1-0,2%. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,18% lên 4,38%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,54% lên 4,74%/năm. Mức lãi suất mới được LienVietPostBank áp dụng từ ngay ngày đầu năm 1-1-2016.

Hay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4%/năm, “vọt” lên so với mặt bằng chung (khoảng 5,4-5,6%/năm).

Việc tăng lãi suất cũng có sự góp mặt của cả các ngân hàng lớn. Như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Đưa mức lãi suất kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,3% lên 5%/năm và kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,5% lên mức 5,2%/năm...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, việc tăng lãi suất đã được các nhà băng thực hiện từ tháng 12 năm ngoái, Cụ thể, tháng 12-2015, tính chung toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn khoảng 0,1-0,5%/năm, bên cạnh đó có 2 ngân hàng giảm lãi suất khoảng 0,1-0,3%/năm. Sang nửa đầu tháng 1-2016, có 3 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất khoảng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Đây là các NHTM cổ phần nhỏ và mức điều chỉnh thấp nên lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống vẫn tiếp tục ổn định so với tháng 12-2015.

Lãi suất của các ngân hàng này sau điều chỉnh vẫn nằm trong vùng phổ biến của toàn hệ thống. Hiện lãi suất huy động của hệ thống TCTD phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.

NHNN cũng cho rằng, mức tăng lãi suất này không bắt nguồn từ áp lực cân đối vốn của các TCTD, mà chỉ là phản ánh yếu tố mùa vụ, tạm thời giống như quy luật của các năm trước, do đó chưa tạo áp lực đến lãi suất cho vay.

Trên thực tế, mặt băng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến của toàn hệ thống tiếp tục ổn định trong tháng 12-2015và 15 ngày đầu tháng 1-2016. Hiện nay, lãi suất cho vay bằng VND của hệ thống TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay đối với phân khúc khách hàng có xếp hạng tín nhiệm cao, khả năng tài chính tốt… khoảng 5-6%/năm. Bên cạnh đó, tỷ trọng dư nợ các khoản cho vay có lãi suất trên 13%/năm tiếp tục xu hướng giảm, tỷ trọng dư nợ các khoản cho vay có lãi suất dưới 10%/năm tiếp tục xu hướng tăng, cho thấy các TCTD vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.

Ba lý do tạo áp lực tăng lãi suất

Tại báo cáo của mình, BVSC cho rằng, thị trường tín dụng năm 2015 đã một lần nữa khẳng định tăng trưởng tín dụng đã quay trở lại sau khi suy giảm mạnh cách đây hai năm. Đà tăng trưởng tín dụng này tiếp nối kết quả đạt được của năm 2014 (14%), sau khi suy giảm mạnh vào năm 2013 (3%). BVSC đánh giá, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định là hai yếu tố quan trọng cho thấy thị trường tiền tệ đã bước vào giai đoạn ổn định, tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng trong trung hạn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, công ty này cho hay, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với NHNN trong năm 2016 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát. Năm 2016 là năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5- 7%, đồng thời duy trì lạm phát mục tiêu ở mức 5-7% trong giai đoạn 5 năm này. Do vậy, áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn nếu Chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.

Ở kịch bản cơ sở, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm trong năm 2016. Có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất trong năm.

Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016, năm mở đầu của kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016-2020.

Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5-7% cho giai đoạn 2016-2020, và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.

Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Lệ Thúy
.
.
.