Không để thiếu hàng, “sốt giá” dịp Tết
- Thị trường hàng hóa Tết: Thực thi nhiều giải pháp để bình ổn giá
- Hàng hoá Tết dự báo không khan hiếm, ít biến động giá
Việc này cũng dấy lên mối lo ngại là thị trường Tết sẽ thiếu hàng, sốt giá, và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tiểu thương cũng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch, nhưng các DN cũng sẽ không tăng giá hàng hóa, thậm chí còn khuyến mãi nhiều sản phẩm trong những ngày cận Tết để chia sẻ khó khăn phần nào cho người tiêu dùng (NTD).
Theo đại diện Công ty Vissan đã chuẩn bị cho Tết Tân Sửu 2021 sản lượng tăng trưởng 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thực phẩm tươi sống là 2.290 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Thực phẩm chế biến là 5.183 tấn, tăng 10% so cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa Công ty dự trữ cho đợt Tết Tân Sửu năm 2021 là trên 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị cam kết không tăng giá hàng hóa và có các chương trình khuyến mãi phù hợp trong những ngày cận Tết; Công ty cổ phần Sài Gòn Food đã chuẩn bị hơn 2.700 tấn sản phẩm cho thị trường Tết Tân Sửu 2021, tăng 25% so với cùng kỳ và Công ty cũng sẽ cùng với các đối tác phân phối trên toàn quốc thực hiện các chương trình khuyến mãi.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op (SGC) cho biết: SGC phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp, chuẩn bị lượng hàng thiết yếu tăng lên từ 2 lần nhằm chủ động nguồn cung, dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết.
Cũng để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm Tết. SGC đã chuẩn bị lượng hàng với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu.
Tại các chợ đầu mối, lượng hàng hóa từ các tỉnh đổ về cũng đã bắt đầu tăng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết: “Sản lượng thịt lợn nhập vào chợ ổn định khoảng 4.500 con/ngày, khoảng 1 tuần nay tăng thêm 500 con/ngày, giá lợn hơi cũng đã giảm 3.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn trong nước giảm và nguồn cung không bị khan hiếm, đó là nhờ nhập khẩu lợn đông lạnh, lợn sống”.
Hàng Tết bán trong siêu thị với giá ổn định, niêm yết giá rõ ràng. |
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các mặt hàng kinh doanh tại các chợ đầu mối, siêu thị đều có niêm yết giá và được bán theo giá niêm yết. Nguồn cung hàng hóa dồi dào nên khả năng thiếu hàng khó có thể xảy ra.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, các DN chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết Tân Sửu 2021 tăng so với kế hoạch TP HCM giao 4,4 - 17,3%, đề phòng thiếu hụt do sức mua tăng đột biến.
Theo đó, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho thị trường TP HCM chủ yếu từ 3 nguồn: Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 - 40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60 - 70%) và các DN khác (chiếm 10 - 20%).
Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo... Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Để ổn định thị trường hàng hóa Tết và tạo niềm tin cho người dân yên tâm mua sắm Tết, UBND TP HCM đã chỉ đạo các Sở Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, nhất là các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép, chứa hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả… trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Siêu thị tăng thời gian bán hàng dịp Tết Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, các siêu thị đồng loạt mở cửa đến 23h hằng ngày, đồng thời nghỉ Tết ngắn, bán hàng sớm trở lại từ mùng 2 Tết. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông và Long Biên sẽ tăng thêm giờ mở cửa từ 2 tiếng đến 4 tiếng mỗi ngày, đặc biệt từ ngày 8 đến 10/2 (từ 27 đến 29 Tết), Co.opmart sẽ mở cửa từ 6h đến 23h và Co.op Food mở cửa từ 5h30 đến 23h. Vào ngày 11/2 (30 Tết), hệ thống các siêu thị Co.opmart, Co.op Food sẽ đồng loạt mở cửa từ 6h đến 12h. Các siêu thị Co.opmart chỉ nghỉ hoàn toàn ngày mùng 1 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết, Co.op Food mở cửa từ mùng 4 Tết. Hệ thống siêu thị BigC, trong các ngày từ 29/1 đến 10/2 (tức 17 đến 29 tháng Chạp), tăng thời gian hoạt động, phục vụ từ 7h đến 23h, ngày 30 Tết mở cửa từ 6h đến 14h. Hệ thống siêu thị BigC sẽ tạm nghỉ ngày mùng 1 Tết và từ ngày mùng 2 sẽ bán hàng bình thường. Trong khi đó, hệ thống VinMart/VinMart+ sẽ mở cửa phục vụ người dân mua sắm đến 16h ngày 11/2 (tức 30 tháng Chạp), trong đó siêu thị VinMart mở cửa đến 12h, còn các cửa hàng VinMart+ phục vụ tới 16h. Toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/2 (tức mùng 4 tháng Giêng). Bên cạnh đó, cùng với hệ thống siêu thị MM Mega cả nước, 4 siêu thị MM Mega Hà Nội gồm: Hoàng Mai, Hà Đông, Thăng Long, Thanh Xuân đều tăng giờ bán hàng so với ngày thường từ 1 đến 2 tiếng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đối với những ngày cao điểm mua sắm trước Tết (27 đến 30 Tết), các trung tâm hầu hết sẽ phục vụ nửa ngày 30 Tết, đóng cửa vào 12h trưa và nghỉ ngày mùng 1 Tết. MM Mega Thăng Long mở cửa từ 7h đến 15h ngày mùng 2 Tết, Hà Đông từ 7h đến 20h mùng 3 Tết, các siêu thị MM Mega còn lại mở cửa từ 7h mùng 4 Tết. L.Hiệp |