Không dễ phạt ATM hết tiền

Thứ Tư, 17/12/2014, 09:52
5 ngày sau khi quy định xử phat các tổ chức tín dụng để máy ATM hết tiền có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa nhận được phản hồi nào của người dân thông qua đường dây nóng.

Kể từ ngày 12/12, Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ có hiệu lực. Theo đó, mức tiền phạt từ 10 - 15 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng; để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/7…

Theo phản ánh của một số phương tiện truyền thông, tại những cụm công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương, hiện tượng cây ATM báo lỗi, hết tiền có xảy ra nhưng cũng không nhiều và đã được khắc phục. Còn theo thông tin tìm hiểu của Báo CAND, tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), kể từ khi quy định xử phạt có hiệu lực đến thời điểm này, công nhân ở đây chưa “dính” phải trường hợp nào báo ATM hết tiền. Cũng có thể, “may mắn” của các ngân hàng (NH) là thời điểm có hiệu lực xử phạt rơi vào giữa tháng, không phải là thời điểm “nóng” về trả lương, nên chuyện các cây ATM rút tiền lẻ tẻ, thảng hoặc có hết tiền cũng không gây ùn ứ và bức xúc đối với người dân. Vì thế, tại một số khu công nghiệp, hiện tượng các cây ATM hết tiền vẫn xảy ra, nhưng chưa có ý kiến phản hồi nào được gửi đến NHNN thông qua đường dây nóng.

Tại trung tâm Hà Nội, theo khảo sát của Báo CAND, hiện tượng cây ATM hết tiền vẫn còn nhưng không nhiều. Chị Ngô Thị Hoa- một nhân viên kế toán cho biết, vì hay phải sử dụng thẻ ATM, nên chị cũng thường xuyên gặp khó chịu vì tình trạng hết tiền của các máy ATM. Sáng 14/12, hai ngày sau khi quy định xử phạt có hiệu lực, chị Hoa đã gặp một cây ATM trên đường Giải Phóng (Hà Nội) báo lỗi. “Thấy máy báo lỗi, tôi sang điểm khác giao dịch, nên cũng không chắc là máy còn hay hết tiền. Tuy nhiên, đến chiều hôm nay (16/12), trở lại rút tiền ở cây ATM đó, tôi đã giao dịch được bình thường, không biết họ khắc phục vào lúc nào”.

Trường hợp như chị Hoa không phải là hiếm, vì hầu hết khách hàng rất khó xác định được số lượng tiền còn hay không trong các cây ATM. Hơn nữa, về mặt thời gian, lại càng khó hơn trong việc xác định các cây ATM vi phạm có vượt quá 24 giờ hay không. Phía các tổ chức cung cấp dịch vụ, thì hầu hết đều cho rằng việc ATM hết tiền trong vòng một vài giờ là khó tránh khỏi. Bà Trần Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm thẻ NH Ngoại thương (Vietcombank) khẳng định thời điểm này, ATM chỉ hết tiền khoảng 30 phút, khi tắc đường hoặc chỗ máy quá xa trung tâm có thể lên tới 1 giờ là NH đã tiếp tiền ngay. “Tại hệ thống máy chủ, chúng tôi luôn có mức giới hạn để đặt báo động. Từ trung tâm máy ATM sẽ báo về còn bao nhiêu tiền đã đến vạch quy định. Phòng Quỹ bao giờ cũng chuẩn bị sẵn tiền niêm phong”, bà Hằng cho biết.

Cũng khẳng định luôn cố gắng đảm bảo không để ATM hết tiền, các nhà băng khác cho biết hiện có hệ thống theo dõi và giám sát mạng lưới ATM rộng khắp, đồng thời cập nhật 24/24 giờ về lượng tiền còn trong máy. Nếu máy ATM còn tiền ít, máy sẽ tự động cập nhật và báo cáo về nơi giám sát thẻ, để đảm bảo xử lý nguồn tiền kịp thời...

Thực ra, trước khi Nghị định 96 về xử phat có hiệu lực, gần 1 tuần trước đó, NHNN đã có văn bản “nhắc nhở” các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc thu phí dịch vụ thẻ; các quy định về trang bị, quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hoạt độngATM; đồng thời thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ…

Các đơn vị khác, như NHNN chi nhánh Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu các NH tăng cường kiểm tra, giám sát tồn quỹ ATM, bố trí theo dõi lượng tiền mặt để đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tăng tần suất tiếp quỹ, đảm bảo cơ cấu và mệnh giá các loại tiền đủ tiêu chuẩn. Với các khu công nghiệp, khu chế xuất, NHNN chi nhánh Hà Nội yêu cầu bố trí thêm các bàn, quầy rút tiền mặt để giảm tải cho việc rút tiền tại ATM, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng thiếu tiền trong ATM…

Bình luận về vấn đề xử phạt ATM, chuyên gia NH - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên tắc cung ứng dịch vụ là khi thu phí, anh phải đảm bảo dịch vụ như đã cam kết. Trường hợp để máy hết tiền, gây “khó dễ” cho người sử dụng thì việc NH bị phạt là hợp lý. Với người dân sử dụng máy ATM, hầu hết đều đồng tình với quyết định xử phạt. Tuy nhiên, 15 triệu đồng đối với các NH dường như chẳng thấm vào đâu, nên sức răn đe gần như không đáng kể.

Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Riêng về lập đường dây nóng, theo ông Hiếu, chưa chắc đã mang lại hiệu quả bởi rất khó thu thập chứng cứ để phạt về sau. Do đó, cần có sự vào cuộc của NHNN để giám sát việc các NH thực hiện đúng quy định, đem lại uy tín cho NH, nâng cao dịch vụ.

Nhóm PV
.
.
.