Hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp, tinh vi
- Nhiều nước trở thành "thiên đường trốn thuế"
- Cán bộ thuế chỉ đường cho doanh nghiệp trốn thuế để “chia quả”?
Theo GS, TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. ở Việt Nam, thuế đã thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thu thuế trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng trong những năm vừa qua.
Kiểm toán nhà nước họp thông tin về vi phạm thuế ngày 9-5. |
Tuy nhiên, theo ông Tiên, những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Dẫn chứng các số liệu cụ thể về thực trạng thất thu, gian lận thuế ở Việt Nam, Ths. Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chánh thanh tra, Thanh tra KTNN cho hay: Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016, 2017 của KTNN thông qua hoạt động kiểm toán cho thấy tình trạng người nộp thuế (NNT) kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí dẫn đến tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), GTGT... vẫn còn diễn ra khá phổ biến, kết quả năm 2016, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 11.365 tỷ đồng, đặc biệt qua đối chiếu 1.653 doanh nghiệp, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050 tỷ đồng.
Năm 2017, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, đặc biệt qua đối chiếu 2.344 doanh nghiệp, KTNN xác định phải nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng.
Như vậy, qua công tác thanh tra của Cơ quan thuế và hoạt động đối chiếu thuế của KTNN, có thể thấy rằng tình trạng gian lận thuế của còn diễn ra khá phổ biến và không có dấu hiệu thuyên giảm qua các năm.
Bên cạnh đó, vị này cũng chỉ ra việc gian lận thuế GTGT chủ yếu thông qua các hành vi: Hạch toán thiếu doanh thu (không hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản doanh thu, ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế, việc này làm giảm thu nhập chịu thuế và giảm thuế TNDN phải nộp), thường xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp (viết tắt là DN) như: Dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xăng dầu, xây dựng, trang trí nội thất, kinh doanh xe gắn máy, xe điện, ôtô, xe phục vụ thi công công trình...; không xuất hóa đơn GTGT đối với hàng hóa, sản phẩm dùng để biếu tặng...
Hạch toán, kê khai theo hướng tăng thuế GTGT đầu vào như là việc mua khống hóa đơn GTGT đầu vào. Thậm chí việc chiếm đoạt tiền thuế thông qua việc lập chứng từ khống để hoàn thuế GTGT... (chủ yếu xảy ra ở các DN có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm sản, hành vi này được thực hiện ở cả DN “ma” và DN đang hoạt động bình thường).
Đối với thuế thu nhập cá nhân, gian lận thuế chủ yếu thông qua hành vi: Kê khai sai thu nhập chịu thuế, kê khai khống số lựợng người phụ thuộc để được khấu trừ thu nhập chịu thuế.
Trước thực trạng trên, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, kiểm toán về thuế cần chú trọng nhiều hơn kiểm toán tuân thủ và kiểm soát hoạt động. Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quản lý thuế.
Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế…