Hàng hóa thiết yếu dồi dào, không lo thiếu
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân
Ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước đại dịch COVID-19, Sở đã mời các nhà sản xuất, phân phối thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh cùng họp bàn để đưa ra phương án cung ứng từ sản xuất, giá xuất xưởng cho đến phân phối, đảm bảo giá hợp lý nhất cho người dân sử dụng, tiêu dùng.
Theo tính toán trên cơ sở nhu cầu thiết yếu của người dân và năng lực các nhà sản xuất để đảm bảo lượng cung ứng trên địa bàn tỉnh với một khối lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Nguồn cung hàng hóa đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước. |
Theo đó, về khả năng cung ứng thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Gạo tẻ 20.373 tấn/tháng; lạc 107 tấn/tháng; thịt lợn 7.000 tấn/tháng; thịt gia cầm 1.513 tấn/tháng; trứng gia cầm khả năng cung ứng cho địa bàn và cung cấp cho các thị trường ngoài tỉnh là 420.000 tấn quả; rau củ quả 17.517 tấn/tháng… Ngoài ra, năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn như mỳ tôm, cháo, phở sản lượng 155.000 thùng/ngày hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Diêu Quốc Hùng, Giám đốc hệ thống siêu thị DABACO (Tập đoàn DABACO Việt Nam) cho biết, siêu thị đã dự trữ tăng từ 2,5 - 3 lần so với trước nhằm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong vòng 1 tuần, siêu thị có thể đảm bảo cung cấp cho thị trường hàng triệu quả trứng và 10-15 tấn gạo.
Trong khi đó, theo khảo sát tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy, từ khi công bố dịch đến nay, không có biến động, nguồn cung cấp đảm bảo nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, đã tăng lượng dự trữ so với ngày thường, đặc biệt là mỳ tôm và gạo. Hiện lượng dự trữ tại kho của các doanh nghiệp đạt gần 70.000 thùng mỳ tôm các loại và 350 tấn gạo, trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp này có thể cung cấp và huy động đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của thị trường. Người tiêu dùng có thể yên tâm không sợ thiếu hàng vì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước rất lớn.
Tại Hà Nội, hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30%-40%, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay từ đêm ngày 6-3 và sáng sớm ngày 7-3-2020.
Hiện, lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tăng gấp 4-5 lần ngày bình, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội… Theo thống kê của các doanh nghiệp, doanh thu 2 tháng đầu năm vẫn tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị tăng hơn so với cùng kỳ. Hàng hóa mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu (thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, mỳ tôm, rau củ).
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành và hiệp hội, ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước đều khá dồi dào. Cụ thể, mặt hàng lương thực: Ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn).
Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020, ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Mặt hàng rau quả: Diện tích rau sản xuất 960 nghìn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17, 18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019). Tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Mặt hàng đường: Sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường, tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300 nghìn tấn cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mua sắm trực tuyến “lên ngôi”
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi, đặc biệt là phương thức mua hàng, chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, các siêu thị tại Hà Nội hiện đang đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Tại các chợ, do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn, nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch (chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60-80%, nhiều ki ốt đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người, thương mại truyền thống (chợ truyền thống) chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến (bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng). Doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20-30%.