Hàng “giả” tràn lan trên sàn thương mại điện tử

Thứ Sáu, 02/07/2021, 08:29
Hàng giả được sản xuất giống hệt hàng thật được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử, không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng.


Liên tục phát hiện, bắt giữ các kho hàng giả lớn

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Cục QLTT Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, mới đây nhất, hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu royal tea, gongcha... đã bị Đội QLTT số 17 tạm giữ. 

Số hàng trên được chứa trong 3 kho hàng hoá của Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam (có địa chỉ tại tầng 1 căn nhà V1-A03 thuộc dự án The Terra An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do ông Nguyễn Hữu Toàn làm chủ.

“Toàn bộ số hàng hoá tại cơ sở này chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi. Chủ cơ sở này rất nhiều lần né tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng và còn để lẫn hàng hoá có giấy tờ với không giấy tờ để gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát”, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay.

Trong khi đó, ngày 24/6, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm dược phẩm Hapulico (có địa chỉ tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và một số nhà thuốc bán lẻ, cơ sở kinh doanh tại các quận, huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Cầu Giấy và Hà Đông.

Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện, thu giữ 1.663 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu. Toàn bộ số hàng giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đều thể hiện số lô sản xuất là 303 và phần đuôi tuýp dập sóng song song, hai bên đuôi tuýp không bo viền (để sắc cạnh). “Số hàng hóa này được tiêu thụ trên các kênh bán buôn, bán lẻ thông qua hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh online, qua gian hàng “Tổng kho gia dụng giá rẻ - Phan Thảo” trên sàn thương mại điện tử Lazada”, Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết.

Đặc biệt, vào ngày 22/6, 8 mũi tấn công của lực lượng QLTT bao gồm Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Hưng Yên dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội tổng tấn công vào 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh, livestreams bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên. Các cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, lực lượng QLTT đã thu giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm mang dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, tại địa bàn Hưng Yên, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage “Chego Shop – Thế giới hàng Nhật”, “Chego hàng Nhật EU” và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Viber. Kho hàng có địa chỉ tại Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, do ông Trần Tiến Quang có hộ khẩu thường trú tại Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình đứng tên chủ kho thuê.

Kiểm đếm hiện trường, lực lượng chức năng đã ghi nhận 93.400 đơn vị sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng và rượu do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.

Trong khi đó, các mũi tấn công thuộc Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra 7 điểm kinh doanh và tổng kho nằm rải rác ở các vị trí khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại kho chứa hàng không tên ở ngõ 691 đường Bát Khối, quận Long Biên, Hà Nội do ông Bùi Quyết Thắng làm chủ, lực lượng chức năng ghi nhận hàng trăm mặt hàng là các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, hàng tiêu dùng thiết yếu được vứt hỗn độn thành từng đống.

Bên cạnh đó là một lượng lớn hàng hóa đã được đóng gói cẩn thận với tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận cùng tên sản phẩm được in sẵn trên tờ giấy dán phía trên sản phẩm.

Kiểm đếm tại hiện trường, Đội QLTT số 14 đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, trị giá gần 400 triệu đồng.

Tại “Shop Thủy Top” ở địa chỉ 455A Bát Khối, Long Biên, Hà Nội cũng thuộc sở hữu của ông Bùi Quyết Thắng – chủ kho tại ngõ 691 đường Bát Khối, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Lô hàng có trị giá 60.000.000 đồng. Tại đây cũng có đủ các dụng cụ phục vụ livestream. Nhân viên cửa hàng cho biết, chương trình livestream tại cửa hàng được thực hiện vào buổi tối.

Kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh số 41 phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Trần Đức Quân làm chủ, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 22.029 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất. Ước tính lô hàng vi phạm trị giá trên 5,5 tỷ đồng.

Sản phẩm thời trang giả nhãn hiệu bị phát hiện, thu giữ.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các trang thông tin điện tử kinh doanh, giới thiệu sản phẩm vi phạm thường có tên miền quốc tế, không xác định được chủ thể đăng ký tên miền gây khó khăn trong công tác phát hiện xử lý vi phạm.

Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp, trang cá nhân trên mạng xã hội không chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, quảng cáo hàng hóa sản phẩm, bán hàng không đảm bảo chất lượng diễn ra phố biến.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục QLTT cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao sự hiểu biết của mình về nội dung của những sản phẩm mình đang có nhu cầu mua, nhu cầu sử dụng giá, công dụng, tính năng, lợi ích,… nhất là đối với những sản phẩm, hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.

Về phía các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc phòng tránh tiêu dùng phải hàng giả.

Lưu Hiệp
.
.
.