Hai ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Sáu, 29/04/2016, 17:28
Ngày 29-4, thị trường ngân hàng đã ghi nhận tín hiệu tích cực đầu tiên về lãi suất dành cho doanh nghiệp, khi hai “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay.

Cụ thể, Vietcombank đã điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về mức tối đa 10% trong thời gian 1 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Vietcombank đưa ra gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Cùng tuyên bố giảm lãi suất, BIDV đã chính thức điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn giảm đến 0,5 điểm %/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay trung dài hạn cũng giảm về tối đa không quá 10%/năm cho nhóm khác hàng này. Song song với đó, BIDV thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính... Trong thời gian tới, BIDV sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ qui mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. BIDV tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập...

BIDV hạ lãi suất cho vay thêm 0,5 điểm %/năm.

Đây thực sự là tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng lên, và mọi nhận định đều cho rằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm. Theo mặt bằng chung, cũng như so sánh với lạm phát, lãi suất đang được đánh giá là quá cao đối với khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Bắc Hà Chủ tịch HĐQT BIDV thông tin: hiện nay lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm). Mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam hiện nay chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%), và cao hơn các nước trong khu vực ASEAN, vốn đang ở mức khoảng 6 - 7%/năm. Do đó, đây là điều bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vì vậy, ông Hà cho rằng cần xem xét giải pháp gia tăng vốn đầu tư và giảm lãi suất cho vay thêm từ 0,5 – 1 điểm %/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Được biết trước đó, NHNN đã có buổi làm việc trực tiếp với 4 NHTM lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank nhằm yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ soanh nghiệp.

Ngay sau cuộc gặp này, tất cả các ngân hàng nói trên đều đồng thuận chủ trương sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với cả các kỳ ngắn hạn và dài hạn và áp dụng ngay việc giảm lãi suất này từ đầu tháng 5-2016.

H.A.
.
.
.