Gỡ khó cho xuất khẩu rau quả tươi

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:48
Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn. Thời gian qua, ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho đất nước các cấp chính quyền cũng rất quan tâm tới việc đầu tư để xuất khẩu hàng nông nghiệp, trong đó có rau quả tươi.

Là một doanh nghiệp (DN) hoạt động có thâm niên trong lĩnh vực công nghiệp và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Thanh Hải tiên phong đầu tư trồng dưa lưới xuất khẩu. Ông Hải cho biết, mảnh đất Nam Bộ, đất đai bạt ngàn, khí hậu ưu đãi nên muốn đem sức mình cống hiến cho quê hương.

Ông nghĩ nông nghiệp Việt Nam hiện nay muốn theo đuổi được thị trường ở nước lớn cần phải thay đổi về cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt.

Ông Hải đã mua đất tại huyện Củ Chi để đầu tư trồng dưa lưới. Đến nay, vườn dưa lưới 5 hécta cho thu hoạch và xuất khẩu đã giúp gia đình thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để có thể phát triển hơn trong xuất khẩu, theo ông Hải có lẽ rất khó bởi những yêu cầu khắt khe từ thị trường các nước. Bên cạnh đó là nguồn vốn trong việc đầu tư cũng cần phải nhiều hơn.

Các DN Việt Nam cần tuân thủ các khâu đảm bảo VSATTP trước khi xuất khẩu.

Để gỡ khó cho lĩnh vực xuất khẩu rau quả tươi của nước ta, trung tuần tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap) tổ chức họp bàn giải pháp duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi xuất khẩu của Việt Nam và thị trường châu Âu.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, cho biết, những năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả tươi của Việt Nam tăng trưởng chậm thì năm nay lại rất khả quan, có những bước tăng ngoạn mục. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,642 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch nhập khẩu 1,153 tỷ USD, tăng 78,2%. Xuất siêu rau củ quả ước đạt 1,489 tỷ USD. Thị trường châu Á điển hình như Nhật, Hàn Quốc là khu vực dẫn đầu xuất khẩu rau của Việt Nam, chiếm 85,9%, khu vực châu Âu chiếm 3,8% và thị trường các khu vực khác chiếm 6,3%. Sản phẩm rau củ chế biến xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn nhất với 46,9%, còn lại rau và trái cây tươi.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu rau quả tươi của nước ta cũng gặp phải nhiều khó khăn khi mà các DN Việt bị xếp vào nhóm có nguy cơ vướng các rào cản kỹ thuật liên quan đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đáng kể phải nói đến là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trái cây tươi và rau gia vị.

Vì thế, theo ông Đạt, để các DN của nước ta có thể xuất khẩu ổn định và tăng trưởng ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả tươi, các doanh nghiệp nhất định phải đảm bảo được tiêu chuẩn trồng rau trong nhà lưới, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận quốc tế về kiểm định thực vật. Đặc biệt, là các DN cần tích cực tuân thủ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để giảm thiểu nguy cơ rau củ, quả, trái cây nhiễm bệnh dịch hại...

 Ông Rugguero Malossi, Chuyên gia quốc tế, Dự án EU-MUTRAP, cũng thông tin, khi xuất khẩu rau quả tươi sang châu Âu, DN phải tuân thủ các quy định về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và chịu sự kiểm soát với các hình thức: kiểm tra giấy tờ, kiểm tra danh tính và kiểm tra thực tế hàng hóa.

Ông Rugguero Malossi cũng thông tin, ngày càng có nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng các phương pháp tự nhiên. Trái cây và hoa quả hữu cơ có chi phí sản xuất cao hơn, nhưng cũng được đánh giá cao hơn ở thị trường EU.

Tuy nhiên, để tiếp thị được sản phẩm hữu cơ ở EU, sản phẩm cần được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được quy định trong luật của EU. Hơn nữa, các phương pháp này phải được áp dụng ít nhất hai năm trước khi bán trái cây và rau quả hữu cơ.

“Tiềm năng nhập khẩu rau quả tươi của thị trường EU là rất lớn. DN Việt Nam nên thông qua các hội chợ thương mại như Biofach hoặc Fruit Logistica và các danh bạ về các công ty buôn bán và cung cấp thực phẩm hữu cơ để tìm các nhà nhập khẩu”, ông Rugguero Malossi nhấn mạnh.

Hoàng Phạm
.
.
.