Gian lận xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế
- Lo ngại tình trạng giả mạo chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam
- Nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa để tận dụng cơ hội từ CPTPP
Điều này không chỉ gây thua thiệt với từng doanh nghiệp (DN), ngành hàng cụ thể, mà dài lâu còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mối nguy gia tăng gian lận xuất xứ hàng hóa, điển hình là hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để XK đi các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại (FTA), dẫn tới nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh đã được các cơ quan quản lý cảnh báo khá nhiều thời gian qua.
Điển hình như, ngay đầu tháng 2-2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18-1-2019.
Theo số liệu thống kê của EU, XK xe đạp điện từ Việt Nam sang EU đã tăng sau khi EU tiến hành điều tra đối với xe đạp điện NK từ Trung Quốc. Việc lượng XK xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm NK từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số DN XK của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các DN XK chân chính.
Thời gian vừa qua, các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng XK của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp PVTM. Một số mặt hàng XK khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh như ván ép XK sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách XK sang EU.
Theo luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), gần đây phía Mỹ có xu hướng tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa đi qua một nước trung gian để XK tới Mỹ. Nếu như sau cuộc điều tra chống bán phá giá, DN xuất khẩu sẽ có mức thuế cụ thể, còn ở điều tra chống lẩn tránh thuế, kết quả chỉ là “có” hoặc “không”.
Nếu kết luận là “có” thì cơ quan chức năng Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu cho hàng Việt theo kiểu “án lệ”. Ví dụ, thuế đánh lên mặt hàng ván ép gỗ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ là 300%. Và nếu lô hàng ván ép nào từ Việt Nam phải nhận kết luận có lẩn tránh thuế thì sẽ bị áp luôn mức thuế này.
“Ở đây, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với bị áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp”, luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ đem đến không ít rủi ro cho ngành dệt may Việt Nam.
Điển hình như, DN Trung Quốc có thể tìm cách chuyển sản phẩm hoặc bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất, XK. Điều này đặt hàng dệt may XK Việt Nam trước nguy cơ nếu hàng dệt may XK vào Hoa Kỳ tăng đột biến sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế cao.
Trước lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, doanh nghiệp nên tích cực sử dụng nguyên liệu trong nước.
Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) để sản xuất thép tấm lá và các loại tôn. VSA khuyến cáo, DN nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước để sản xuất. Điều này sẽ giúp DN tránh được việc khởi kiện, áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường lớn, điển hình như Hoa Kỳ hay các thị trường khác.
Khi bị kiện ở nước ngoài nhiều, muốn phát triển, chúng ta phải bảo vệ bằng được thị trường thép trong nước, ngăn cản việc NK các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Thời gian tới, VSA đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh sử dụng công cụ PVTM nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, Việt Nam không tranh thủ khó khăn từ các đối tác thương mại để tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Còn những DN làm ăn đàng hoàng sẽ được phối hợp bảo vệ. Từ đầu năm, Cục Phòng vệ thương mại vừa khép lại vụ điều tra chống bán phá giá của phía Canada với mặt hàng thép không gỉ Việt Nam.
Sự kết hợp tốt giữa các bộ, ngành và DN có liên quan để chứng minh tính minh bạch của hàng Việt Nam xuất khẩu đã được phía Canada thừa nhận. Vì vậy, thép không gỉ Việt Nam nhận mức thuế chống bán phá giá thấp hơn rất nhiều so với các nước khác.
Để ứng phó gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN XK của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, XK của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường NK.