Giá thành tôm nuôi của nước ta còn cao

Thứ Sáu, 02/11/2018, 15:07

Ngày 2-11, tại Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tổ chức Diễn đàn tôm Việt với chủ đề: “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ”.


Diễn đàn tôm Việt 2018 với sự tham gia của trên 500 đại biểu là các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL. Diễn đàn tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng điện trong nuôi tôm; các giải pháp kỹ thuật, thị trường để có được giá thành tốt, nâng cao giá trị… 

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại diễn đàn tôm Việt. 

Được biết, hằng năm, ngành thủy sản đóng góp trên 3% tổng giá trị GDP của Việt Nam. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trong đó, tôm là 1 trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng kim ngạch chiếm 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản; tạo việc làm và thu nhập cho 700.000 hộ gia đình.

Tuy nhiên, giá tôm từ đầu năm 2018 đến nay giảm mạnh, ở nhiều cỡ giá thành còn thấp hơn giá sản xuất, khiến người nuôi thua lỗ hoặc ngừng sản xuất. 

Ông Trần Đình Luân, phát biểu khai mạc diễn đàn tôm Việt. 

Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm trong nước bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá thế giới hiện đang giảm mạnh do nguồn cung tăng cao. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm của chúng ta cao hơn nước bạn Ấn Độ, Thái Lan… từ 15-20%.

Theo ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ngành tôm Việt Nam đang có bước phát triển khá tốt, ngày càng có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu, cũng như sự phát triển KT-XH của các địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn; xuất khẩu tôm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước bạn trong khu vực. Trong nước, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, như công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng nuôi tôm tự phát khó kiểm soát…

Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Bạc Liêu. 

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hiện nay giải pháp hạ giá thành con tôm cứ trông vào đầu tư Nhà nước là rất khó. Chính các nhà khoa học, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải tiếp cận những cơ chế, chính sách đã có để giúp người nuôi tôm. Ngoài ra, giảm chi phí thức ăn là một vấn đề quan trọng để giảm giá thành. Chi phí thức ăn trong giá thành tôm phải giảm còn 30-40%. Vấn đề này, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với cơ quan quản lý và người dân. 

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng để chế biến xuất khẩu ở Bạc Liêu.

Đối với hộ nuôi tôm, với diện tích ao nuôi của chúng ta thì cần có diện tích ao ươm sao cho phù hợp và sử dụng công nghệ thế nào để giảm giá thành là điều quan trọng.

Hiện nay những mô hình nuôi hai giai đoạn làm cho con tôm khỏe mạnh ngay từ đầu, khi chúng ta nuôi giai đoạn sau thì sẽ có hệ số thức ăn giảm, từ đó làm giảm giá thành.

Đức Văn
.
.
.