GDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81%
- GDP quý I/2020 ước tính tăng 3,82%
- Covid-19 khiến tăng trưởng GDP khó đạt mức 6% trong năm 2020?
- GDP 2019 tăng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra
- Công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Quý II/2020 ước tính tăng 0,36%).
Trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020. |
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%). Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản tăng 1,93%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,31%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng Năm. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.
CPI tháng 6/2020 tăng 0,66% Tổng cục Thống kê cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6. Mặc dù vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Trong mức tăng 0,66% của CPI tháng 6/2020 so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước; nhóm giáo dục tăng 4,52%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,6%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,28%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,82%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,64%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,3%. Ba nhóm có CPI giảm là giao thông giảm 20,12%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,56%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. |