Doanh nghiệp vẫn thờ ơ, “ì” trước EVFTA
.
- EVFTA: Tạo cú hích cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU
- EVFTA: Cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng xuất khẩu vào EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-6 vừa qua sẽ đem lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, EVFTA còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Theo tính toán, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam 0,5% mỗi năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7 - 8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại.
Với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; bảo đảm các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do hơn giữa các thành viên tham gia Hiệp định, có thể nói, EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành/lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ EVFTA là: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia…
Mặc dù lợi ích nhãn tiền của Hiệp định sẽ mang lại, nhưng cho đến thời điểm này, nhiều DN Việt vẫn thờ ơ với thời cuộc. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, trong khu vực ASEAN, độ mở kinh tế của Việt Nam chỉ thua Singapore, nhưng năng lực hội nhập, cạnh tranh, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp 77/140 nền kinh tế, ở mức trung bình; trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế xếp 94/140, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp 101/140. Có thể thấy, nhận thức rõ được các cơ hội mà CPTPP hay EVFTA mang lại, nhưng độ sẵn sàng của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý vẫn còn thấp.
Ví von đầy hình ảnh nhưng rất sát thực, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên - Bộ Công Thương, cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực vây quanh. Điều này giống như rất nhiều thuốc bổ trong cơ thể, nếu chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu yếu thì sẽ là lợi bất cập hại. Điều đáng tiếc là phía DN và cả các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa có sự chủ động. Thậm chí, như với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực thi và yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng hợp, nhưng có rất ít tỉnh thành, bộ, ngành làm, và đến tận bây giờ, phía Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được đầy đủ kế hoạch hành động từ các bộ, ngành, địa phương.
“Nếu EVFTA chúng ta cũng vẫn chậm trễ như vậy thì tất cả những bài trình bày về cơ hội vẫn là trên giấy, mà không đưa vào thực thi”, ông Khanh nói. Thực tế, mức độ quan tâm của các DN còn rất hạn chế. Từ khi có thông tin về Hiệp định EVFTA, phía Bộ Công Thương mới chỉ nhận được 2 câu hỏi của các DN FDI về các vấn đề mã thuế hồ sơ, quy tắc xuất xứ...
Trước thực tế trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng đầu tiên phải làm sao tiếp tục cải cách thể chế, hội nhập hóa không chỉ tuân thủ, mà còn vận dụng có lợi nhất cho DN Việt Nam, thúc đẩy DN có thể vươn lên tận dụng lợi thế, ưu đãi thuế quan và khả năng thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng phải tái cấu trúc lại về quản trị, công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vệ sinh, kỹ thuật, phát triển bền vững…
Cơ hội đang mở ra, nhưng rủi ro cũng rất lớn, nên DN cần có tầm nhìn toàn diện hơn, kèm theo các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thương mại thế giới đang thay đổi. Lãnh đạo VCCI cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành để thúc đẩy cải cách thể chế, điều tiên quyết thành công trong hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…