Doanh nghiệp dệt may đuối sức với nạn hàng nhái, hàng giả
- Xuất khẩu lớn, doanh nghiệp dệt may vẫn khó cạnh tranh trên sân nhà
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may phía Bắc
Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết cũng đã có những tác động tích cực, tạo hiệu ứng tốt cho ngành dệt may XK. Riêng với thị trường trong nước, mức tiêu thụ sản phẩm dệt may tăng đáng kể do tác động của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, vấn đề hàng giả, hàng nhái vẫn đang còn là khó khăn thách thức đối với ngành dệt may...
Bà Phạm Minh Hương – Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngoài XK, hiện thị trường trong nước, nhờ tác động của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN trong tập đoàn cũng đã đầu tư trang thiết bị để sản xuất các mặt hàng nội địa, phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, trong thời gian qua mức tiêu thụ sản phẩm dệt may tập trung nhiều vào các đơn vị lớn như: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... họ cần số lượng lớn về sản phẩm đồng phục.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có tổng doanh thu nội địa đạt hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm doanh thu nội địa của Tập đoàn đạt 12.638 tỷ đồng (tăng 22,58%) so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa, |
Mặc dù đã đạt được kết quả ấn tượng tại thị trường trong nước cũng như XK, nhưng các DN dệt may trong nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với các áp lực từ các thương hiệu ngoại đang tấn công vào thị trường Việt Nam như Zara, H&M, Topman... Bên cạnh đó, DN trong nước cũng đang đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu ngày càng tăng và tinh vi hơn, gây khó khăn cho DN cũng như các cơ quan chức năng.
Theo khảo sát của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tại 6 chợ buôn bán hàng may mặc tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh (như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Rồng, Nghệ, Sắt, Soái Kình Lâm), hầu hết quần áo may sẵn kinh doaanh tại đây có xuất xứ Trung Quốc. Nhiều hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như Adiddas, Nike, Burberry...
Ngoài ra, tại nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn treo biển hiệu lập lờ như “Sơ mi Việt Tiến”, “cửa hàng May 10”... khiến khách hàng nhầm lẫn những cửa hàng này là đại lý của Công ty may Việt Tiến hoặc May 10...
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, để bảo vệ mình, một số DN dệt may trong nước đã đầu tư các hệ thống nhận diện thương hiệu tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng thật. Tuy nhiên, bà Phạm Minh Hương cũng cho rằng, để ngành dệt may phát triển bền vững, còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
“Bài toán” nguyên phụ liệu đang làm khó DN; Một vấn đề nữa là bảo vệ môi trường, đây là quan tâm của Chính phủ, của người dân và của khách hàng nước ngoài. Trong khi ngành dệt may sản xuất phải đầu tư nhuộm vải. Vì vậy, DN dệt may rất mong được Chính phủ, một số địa phương... có quy hoạch rõ ràng, định hướng để hỗ trợ DN trong khu vực KCN được phép đầu tư khâu nhuộm (kèm điều kiện là DN phải thực hiện bảo vệ môi trường và xử lý nước thải đi song hành).
“Nếu có định hướng rõ ràng, cùng với một chính sách đồng bộ về tài chính, công nghệ... thì sẽ giúp cho rất nhiều cho DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Thực tế, khả năng đầu tư sản xuất kinh doanh của DN đã là một khó khăn thách thức lớn, bảo đảm thêm yếu tố môi trường có thể nói là vượt quá khả năng của họ”, bà Hương thông tin.