Điểm sáng đầu tư hấp dẫn cho dòng vốn FDI

Thứ Sáu, 01/01/2021, 12:37
Trong năm 2020, do tác động của COVID-19 dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới sụt giảm tới 40%, tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội và mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Tin tưởng gửi gắm dòng vốn đầu tư

Thống kê đến ngày 20-12-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. 

Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%.

Trên thực tế, cho tới thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận đây là thời điểm và cơ hội hiếm hoi để gửi gắm dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, với kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm. Như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tiếp tục khẳng định mục đích mở rộng quy mô và sự hiện diện vững chắc tại Việt Nam; xác định Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng để sản xuất hàng xuất khẩu cho chiến lược toàn cầu của mình. Đây là một động thái rất đáng lưu ý ngay sau khi tập đoàn này triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội để hiện thực hóa chiến lược nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm hiện đại.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng, Việt Nam đã làm được những việc hiếm hoi mà ít quốc gia đạt được trong năm 2020. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nên Việt Nam đã tái khởi động nền kinh tế sớm hơn các nước khác. Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc về xuất khẩu, kinh tế tăng trưởng và mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội đã ở trạng thái bình thường. Sự quyết liệt của Chính phủ và người dân cùng kết quả chống dịch và duy trì sản xuất - kinh doanh đã củng cố niềm tin của các DN, các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết, qua đó có sự bứt phá ngoạn mục trong tương lai gần.

Nhiều nhà đầu tư đã lên kế hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch "đổ bộ" vào Việt Nam

Theo ông Hong Sun, nhiều doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc vẫn đang tìm kiếm cơ hội và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử như vừa qua, nhiều DN Hàn Quốc đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. 

Theo đó, với kế hoạch mở rộng thị trường, đầu tư, hàng trăm công ty phụ trợ cấp 1, 2, 3 của Hàn Quốc đã lên kế hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong khu vực. Kế hoạch đầu tư của các DN có tầm nhìn dài hạn và góp phần nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới với hơn 3.000 nghiên cứu viên, tiến sĩ, thạc sĩ công nghệ sẽ được phối hợp đào tạo bài bản tại Trung tâm nghiên cứu của Hàn Quốc phục vụ cho việc mở rộng quy mô đầu tư và sản xuất của cộng đồng DN Hàn Quốc. Nhiều DN khởi nghiệp (startup) Hàn Quốc cũng có kế hoạch sang Việt Nam bởi điều kiện thị trường, chính sách, cơ chế khuyến khích thu hút đổi mới sáng tạo của Chính phủ, cũng như hệ sinh thái cho khởi nghiệp đặc biệt hấp dẫn.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Australia (AusCham) cũng cho biết, DN Australia đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. “AusCham đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục hỗ trợ cho các DN Australia đang hoạt động tại Việt Nam và chào đón các DN mới thiết lập hoạt động tại đây”, đại diện AusCham cho hay.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) vừa được ký kết và có hiệu lực từ 23h ngày 31-12-2020 được dự báo không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào Anh, mà còn thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành có lợi thế của Việt Nam.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 sẽ là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, bởi Việt Nam đã có thể khôi phục các hoạt động kinh tế, trong khi các nước khác chỉ có thể mở cửa trở lại từng phần. Giữa bối cảnh các DN trên toàn thế giới đang mong muốn tìm kiếm một “bến đỗ” có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn FDI được tốt hơn trong năm 2021, các hiệp hội DN, nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh… Bên cạnh đó, cộng đồng DN Việt Nam nói chung và các DN đầu tư nước ngoài nói riêng kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp hỗ trợ DN, kích thích kinh tế của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình. Đặc biệt, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA và CPTPP, UKVFTA, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.


Lưu Hiệp
.
.
.