Đề xuất cơ chế thu mua, cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn thị trường

Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:58
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 30-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức cuộc họp về xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn thời gian tới.

Bộ Công Thương cho biết, đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (AFS) đã  xảy ra tại 43 tỉnh, thành phố. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện và lan rộng tại tỉnh phía Nam gây lo ngại cho người chăn nuôi và người dân. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tính đến ngày 24-5-2019 khoảng trên 1,7 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước).

Bảo đảm bình ổn cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm.

Tại những địa phương có dịch như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng...dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều huyện xã của địa phương đó.

Từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình AFS lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm trở lại do nhu cầu tiêu dùng thấp, dịch bệnh lây lan trên diện rộng, thời tiết nắng nóng và tháng Phật đản nên một bộ phận người tiêu dùng ăn chay.

Giá lợn đã giảm, chỉ còn 28 - 32 nghìn đồng/kg tại miền Bắc; 32-38 nghìn đồng/kg khu vực phía Nam; giá lợn thành phẩm 70-90 nghìn đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin vể dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên,...) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 30-5, tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đưa ra ý kiến và các lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao quyết liệt về tình hình dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung - cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành liên quan tìm giải pháp để tập trung thực hiện việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá lợn, không để sốt giá lợn vào những tháng, quý tới.

Tại thời điểm hiện nay, giá rất thấp và khó bán. Đặc biệt, cái đáng lo nhiều hơn là những tháng tới không có thịt lợn để bán chứ không phải giá bán, đồng thời khẳng định đây không phải là việc của chỉ riêng Bộ NN&PTNT mà còn là việc chung của cả nước.

Bộ Công Thương trong chức trách nhiệm của mình sẽ làm hết sức mình để đảm bảo cung cầu thị trường.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và đến nay chưa có vacxin để điều trị. Hiện nay đã có 44 tỉnh, thành phố có dịch và việc lây lan có thể đến hết các tỉnh, đến các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Thậm chí, nhiều địa phương hết dịch lại phát lại như Quảng Bình, Bắc Kạn. Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường. Việc này triển khai càng sớm càng tốt.

Cấp đông thịt lợn là giải pháp hiệu quả được đưa ra trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên khả năng cấp đông của các doanh nghiệp (DN) thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế nên việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tạo Đồng bằng sông Hồng).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cuộc họp liên ngành được tổ chức nhằm 3 mục đích: nhanh chóng thống nhất, đưa ra các giải pháp kiến nghị đến các cơ quan bộ ngành; đảm bảo lợn thu mua đạt vệ sinh, tránh trường hợp thịt cấp đông không đảm bảo chất lượng; Nhà nước không đứng ra thu mua mà vai trò quyết định phải là các DN, địa phương.

Nhà nước hỗ trợ bằng cách đề xuất cơ chế, biện pháp để sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ có các quyết sách khuyến khích DN thu mua, cấp đông thịt lợn.

Sau cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến kiến nghị, gửi đến các cơ quan chức năng để nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cấp đông thịt lợn, đảm bảo không thiếu thịt những tháng cuối năm.

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 5 huyện, thành phố của Kiên Giang

Ngày 30-5, ông Nguyễn Văn Hoàng,Trưởng phòng quản lý dịch bệnh, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết; Kiên Giang đã xuất hiện 13 ổ dịch, đã tiêu hủy 210 con lợn bị bệnh. Hiện nay 2 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải vẫn chưa phát hiện có dịch.

Trong tổng số 13 ổ dịch tả lợn châu Phi gồm: xã Tân Hiệp B, Thạnh Đông A, thị trấn Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp); xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận); thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất); thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng); phường An Hòa (thành phố Rạch Giá). Tổng đàn 852 con, mắc bệnh 89 con, trong đó 19 con đã chết; đã xử lý tiêu hủy 210 con, tổng trọng lượng 16.282kg.

Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở xã Tân Hiệp B. Ngành chức năng nhân định tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan cho đàn lợn của các xã lân cận. Chi cục Chăn nuôi và thú y chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thúy y huyện Tân Hiệp tập trung nhân lực kiểm tra theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tỉnh đã cấp phát 16 lít Benkocid và 625 kg vôi bột cho các địa phương có ổ dịch. Hiện nay 8 chốt kiểm dịch được thành lập hoạt động 24/24 để kiểm soát chặt chẽ vận chuyển heo. (Đức An)

Phan Đức
.
.
.