Đã có Luật Hỗ trợ nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn e ngại tính khả thi
- Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quá nhiều tham vọng
- Thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Tiến tới hiện thực hóa Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng kỳ vọng vào việc Luật sẽ hỗ trợ cho các DN tham gia chuỗi sản xuất, vì hiện nay mặc dù Việt Nam đã có nhiều chuỗi sản xuất nhưng chuỗi chưa hoàn chỉnh do được hình thành một cách tự nhiên, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên DN và chuyên gia cho rằng, để Luật đi vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Lần đầu tiên Việt Nam có luật riêng dành cho các DNNVV, Luật thiết kế theo hướng tập trung 3 đối tượng DNNVV: DN thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp sáng tạo và DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
DNNVV kỳ vọng Luật này sẽ giúp giải quyết những khó khăn mà DN đang gặp phải. |
Theo đó, DNNVV quy định trong Luật dựa trên các tiêu chí: số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người; nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng.
Đánh giá về Luật hỗ trợ DNNVV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật chỉ có thể đi vào thực tế khi có nguồn lực cụ thể.
“Bản thân luật này chưa thể mang lại thay đổi cho khối DNNVV. Luật này đã nêu ra được một số quan điểm, nguyên tắc nhưng quan trọng nằm ở thực thi. Chương trình, dự án phải gắn với các nguồn lực cụ thể”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện DNNVV rất khó khăn, trong đó, có 6 khó khăn dai dẳng như: tiếp cận mặt bằng sản xuất, tín dụng, nhân lực, công nghệ, thị trường, khả năng tuân thủ các quy định hành chính pháp luật. Nhiều DN có công nghệ, có nhân lực, nhưng không tiếp cận được mặt bằng sản xuất, tín dụng, nên cũng không phát triển được.
Ông Nam cũng kỳ vọng, sau khi có hiệu lực, Luật này sẽ giúp giải quyết những khó khăn mà DN đang gặp phải, bên cạnh đó sẽ thu hút được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ DN.
Mặc dù là đối tượng được hưởng ưu đãi từ Luật này nhưng ông Lê Ngọc Lam, Giám đốc Makerting Công ty cổ phần hợp tác Hưng Thịnh (Hà Nội) cho biết, từ trước tới nay, đa số DN phải tự thân vận động, chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước nên việc Luật được thông qua chưa phải là tín hiệu vui với DN.
“Nhiều khi nhà nước không biết mình sản xuất gì còn tốt hơn, bởi lẽ, cơ quan quản lý thường tìm cách kiểm tra nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn được cơ quan quản lý hỗ trợ phần xúc tiến thương mại, quảng bá thông tin sản phẩm từ người sản xuất đến người dùng để mở rộng thị trường”, ông Lam chia sẻ.
Trong khi đó, theo một số DN, với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó tiếp cận. Thậm chí số tiền “bôi trơn” để nhận khoản vay ưu đãi đã chiếm rất nhiều trong tổng vốn nhận được, hơn cả phần được ưu đãi. Về mặt bằng sản xuất, mặt bằng khu công nghiệp giá cao, yêu cầu mua trước nhiều năm nên DNNVV không đủ tiền thuê mua.
Theo ông Tô Hoài Nam, hiện nay quy định của ngân hàng là rất chặt chẽ và thường DN buộc phải đi theo và điều chỉnh đạt chuẩn quy định của NH. Do đó, ngân hàng nên xem xét lại việc này bởi nếu Luật DNNVV buộc ngân hàng đưa ra chuẩn tín dụng mới cho nhóm này thì rất khó.
Liên quan đến Luật hỗ trợ DNNVV, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật, nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa của việc hỗ trợ là “tiền ở đâu ra để đưa trực tiếp cho doanh nghiệp”.
Ví dụ như vải thiều Lục Ngạn, có người dân trồng 1ha, người thì trồng 5-10ha, nhưng họ lại không xác định được thị trường muốn gì, vì thế nhà nước sẽ tạo điều kiện củng cố chuỗi giá trị bao quanh quả vải. Không thể trách người dân khi xảy ra các hiện tượng dư thừa trên thị trường.
Theo Luật, nguồn lực nhà nước sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân sản xuất. Vì vậy, cách tiếp cận của Luật hỗ trợ DNNVV dựa trên sự phân tích nhu cầu thực tế của DN để xây dựng các chương trình hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Bộ KH&ĐT đang thực hiện và sớm hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn để khi Luật có hiệu lực sẽ kịp đưa vào thực tế. Luật được thông qua sẽ góp thêm động lực sớm đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế.