ĐBSCL: Thiếu hụt trầm trọng cá tra giống

Thứ Bảy, 21/04/2018, 08:56
Mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần hơn 30 tỉ cá tra bột để phục vụ nhu cầu nuôi cá nguyên liệu.

Theo các chuyên gia thủy sản, sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ 500 triệu con vào năm 2000 lên trên 30 tỷ con hiện nay, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ trên 2 tỷ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tăng, hay nói cách khác là tỷ lệ sống trong quá trình ươm nuôi cá tra giống đang giảm… 

Hiện, giá cá tra giống ở ĐBSCL đã tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và cũng là mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá cá tra giống hiện nay dao động từ mức 65.000-80.000đ/kg tùy loại. Tuy giá cao nhưng hiện vẫn không đủ cá giống để bán cho người nuôi.

Năm 2018, ĐBSCL cần khoảng 2,2 tỷ con giống để đạt sản lượng 1,3 triệu tấn cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Vùng nguyên liệu chính của cá tra Việt Nam tập trung chủ yếu ở một số địa phương có diện tích thả nuôi lớn, gồm: Đồng Tháp (2.532ha), Bến Tre (777,4ha), An Giang (770ha), Cần Thơ (603ha), Vĩnh Long (263,6ha), Hậu Giang (106,6ha)… 

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, ĐBSCL có tổng diện tích mặt nước thả nuôi cá tra hơn 5.230ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,25 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỉ USD, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Để đạt được sản lượng thu hoạch và đáp ứng diện tích thả nuôi nói trên, các địa phương ở ĐBSCL đã sử dụng hơn 2 tỷ cá tra giống. Báo cáo của cơ quan chức năng các địa phương cho thấy, tuy các cơ sở sản xuất con giống trong cả nước cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giống cục bộ. 

Nguyên nhân được xác định là do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh cùng sự biến động lớn của các yếu tố môi trường khiến sản xuất cá tra giống gặp nhiều khó khăn.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), lo ngại: “Với mục tiêu sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đặt ra trong năm 2018, ngành cá tra Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức. Ngay từ đầu năm 2018, nguồn cung giống đã có dấu hiệu sụt giảm do lượng con giống bị thiệt hại nghiêm trọng, chất lượng không đảm bảo, kéo theo đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu”.

Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách đầu tư cơ sở sản xuất giống cá tra ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có nhiều thế mạnh về ngành hàng này. Ngoài ra, các nhà cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản cũng nên liên kết chặt hơn với doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá để phân phối lợi nhuận hợp lý và chia sẻ rủi ro trong chuỗi sản xuất…                   

ĐỨC VĂN
.
.
.