Có kiểu “tín dụng đen” từ việc vay tiền online

Thứ Hai, 30/09/2019, 08:47
Trên mạng xã hội có nhiều ứng dụng (app) cho vay tiền online, từ 1 đến 4 triệu đồng. Nhiều người vay tiền trên các app sau đó mất khả năng trả nợ vì lãi suất cao. Gia đình và người thân liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn đòi nợ với lời lẽ nạt nộ, đe dọa tung hình ảnh cá nhân lên mạng và quy chụp lừa đảo.

Gõ từ khóa “vay tiền qua mạng”, chỉ trong 0,31 giây, trang tìm kiếm Google cho ra 108.000.000 kết quả, với các thông tin giải ngân nhanh/không thế chấp, vay tiền online đơn giản/duyệt đơn trong 5 phút, vay tiền nhanh online 3 phút/duyệt qua điện thoại… với các điều kiện cho vay rất hấp dẫn.

 Hiện nay, vay tiền qua các ứng dụng đang nở rộ như một hình thức “tín dụng đen” trên mạng. Người vay chỉ cần tải app về điện thoại, sau đó đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Chỉ vài giờ sau, tiền được gửi vào tài khoản.

Trong thực tế, nhiều người trót vay tiền trên các app này nhanh chóng trở thành nạn nhân “tín dụng đen”. Người thân, gia đình liên tục bị điện thoại đe dọa, nhắn tin buộc phải trả tiền nếu không sẽ đăng thông tin, hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội “bêu xấu”, dù không liên quan đến việc vay tiền.

Những ngày qua, chị N.T.T.T. (SN 1979) và người thân ngụ tỉnh Gia Lai liên tục nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn yêu cầu trả nợ, vì có người thân vay tiền qua app. 

Con trai chị T., (SN 2001, chưa tốt nghiệp phổ thông), vay 1,6 triệu đồng qua app trên điện thoại nhưng chỉ nhận được 1,1 triệu đồng và buộc hoàn trả trong 7 ngày. Sau đợt vay đầu tiên, con trai chị T., tiếp tục vay 2,6 triệu đồng, còn thực nhận là 2,1 triệu đồng. Lần vay thứ hai này, cháu T., nợ quá hạn.

“Gia đình và người thân liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn từ nhân viên thu tiền, yêu cầu buộc phải trả khoản tiền mà con chị T., đã vay. Ban đầu, họ yêu cầu thanh toán cả lãi và gốc là hơn 3 triệu đồng, cho số tiền đã vay 2,6 triệu đồng”, chị T., kể lại. Gia đình yêu cầu nhân viên gửi thông tin về khoản nợ cũng như cách tính lãi suất để trả nợ thì họ không đồng ý, chỉ trả lời ngắn gọn “đây là cho vay nóng”. Gia đình buộc phải thanh toán khoản và không cung cấp thêm thông tin.

Hình ảnh nhân viên đòi nợ đã cắt ghép quy chụp nạn nhân lừa đảo, dọa tung lên mạng xã hội cùng tin nhắn nhân viên đòi nợ.

Chị T. và người thân không đồng ý, vì việc vay tiền không rõ ràng. “Lúc cho con chị vay, họ không gọi gia đình xác minh nhưng sau đó gọi điện thoại đòi nợ và đe dọa đủ điều. Gia đình đồng ý thanh toán khoản tiền cháu đã vay nhưng phải rõ ràng. Hôm nay mình trả, hôm sau họ lại gọi điện thoại đòi tiền và tiếp tục đe dọa gia đình thì phải làm sao”, chị T., nói.

Em trai chị T., cho biết thêm, anh cũng nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ một nhân viên thông báo đòi nợ, yêu cầu trả số tiền cháu trai đã vay. Nhân viên này giải thích, số tiền đã vay là 2,6 triệu đồng trong vòng một tháng nên tính lãi và gốc gần 4,3 triệu đồng. Mỗi ngày trôi qua, nếu gia đình không thanh toán phải chịu phạt hơn 50.000 đồng.

Người này liên tục nhắn tin, đe dọa nếu không thanh toán: “Đúng 5h chiều sẽ đăng tải toàn bộ hình ảnh những người liên quan, cảnh báo trên các trang mạng xã hội của bạn bè và sử dụng tất cả biện pháp truy thu với gia đình”. Họ lấy hình ảnh trên trang cá nhân và cho rằng gia đình, người thân trốn tránh trả nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Họ nói rằng, đây là vay nóng khi trả muộn sẽ tính phí phạt hàng ngày. Một ngày trước, họ thông báo số nợ lãi và gốc là 4.123.000 đồng nhưng đến hôm sau, số tiền này lên 4.291.000 đồng. Sau một ngày, không thanh toán, họ phạt 56.000 đồng và đe dọa, nếu gia đình không trả thì số tiền sau này trả không phải nhỏ”, em trai chị T. kể lại. Nhân viên đòi nợ, còn gửi cả danh sách danh bạ người thân, bạn bè của gia đình dự kiến sẽ gọi điện thoại đòi nợ.

Theo lời chị T., nhân viên này yêu cầu người nhà chị mang thẻ ngân hàng đến trụ ATM, sau đó sẽ hướng dẫn cách chuyển trả tiền chứ không đồng ý cung cấp số tài khoản. “Họ cho vay rất mờ ám và đe dọa sử dụng tất cả biện pháp truy thu tận nhà”, chị T. kể lại và cho biết đã đến cơ quan điều tra trình báo toàn bộ sự việc.

Không chỉ gia đình chị T., thời gian qua, có rất trường hợp bị đe dọa vì trót vay tiền online trên các app. Chị P.T.T.M. (Sn 1995, ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết khoảng đầu tháng 7 vừa qua, chị tải app cho vay tiền online về điện thoại. Khi tải ứng dụng, màn hình hiện lên yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí nhằm tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ đến 99%.

Đang lúc cần tiền, chị M., nhấn vào đồng ý, sau đó được yêu cầu chụp hình giấy tờ tùy thân và khuôn mặt. Số tiền chị M., giới hạn được vay từ 1-4 triệu đồng. Theo chị, dù họ (app cho vay tiền online) giới thiệu lãi suất vay rất thấp, thậm chí 0% nhưng người vay phải trả các loại phí dịch vụ, phí quản lý, chi phí làm hồ sơ từ 30-50% cho khoản vay thực tế.

“Ví dụ, mình đăng ký vay 1,5 triệu nhưng chỉ nhận 1 triệu đồng, còn 500.000 đồng, họ giữ lại với lý do trừ phí hồ sơ. Ban đầu khi làm các thao tác vay, mình chọn thời gian trả là 30 ngày nhưng khi hoàn thành xong thời hạn trả chỉ có 7 ngày. Đến ngày thứ 7, mình phải trả đủ 1,5 triệu đồng cho số tiền đã nhận 1 triệu đồng”, chị M., nói. Sau khi thực hiện các thao tác, một lúc sau, chị M. nhận được tiền chuyển vào tài khoản.

Đến ngày thứ 6, chị M., nhận được điện thoại của nhân viên bên ứng dụng cho vay tiền, hối thúc trả nợ. Ban đầu, họ nhắc nhở, sau đó đe dọa bằng nhiều cách khác nhau. “Lúc vay tiền, mình giấu gia đình nên phải tự tìm cách xoay xở. Đang lúc bấn loạn, nhân viên của ứng dụng đó hướng dẫn vay tiền từ ứng dụng khác để trả nợ”, chị M., kể lại. Từ khoản vay 8 triệu từ 4 ứng dụng ban đầu, chị M., làm theo hướng dẫn vay tiền trên 8 ứng dụng mới.

Cứ mỗi lần đến hạn trả tiền, chị M., lại phải vay tiền từ ứng dụng mới trả cho ứng dụng cũ. Sau 2 tháng, chị đã vay hơn 60 ứng dụng. Một số ứng dụng, chị M., nói đã thanh toán nhưng vẫn bị nhân viên gọi đến đe dọa và buộc phải trả nợ tiếp. Anh L.H.Đ. (chồng chị M.,) cho biết gia đình liên tục nhận được các cuộc gọi điện thoại dọa nạt, buộc phải trả nợ nếu không sẽ có chuyện xấu xảy ra.

“Chỉ 8 triệu đồng ban đầu, nay tôi đã trả gần 200 triệu nhưng vẫn chưa dứt nợ. Gia đình hết cách rồi”, chồng chị M. nói và cho biết đã trình báo cơ quan Công an vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.

Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn luật sư TP Cần Thơ phân tích: “Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 quy định, lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận nhưng với mỗi khoản vay lãi suất không được vượt quá 20%/năm, tức 1,666%/tháng. Với lãi suất hơn 1.400.000 đồng/tháng đã quá 5 lần lãi suất quy định của pháp luật. Do đó, hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt cao nhất là bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Ngoài ra, với hành vi như lập bàn thờ, đặt quan tài nơi ở làm việc, dán ảnh kèm theo nội dung lăng mạ, xúc phạm hoặc sử dụng mạng xã hội đe dọa, làm nhục người vay, người thân người vay cần xử lý về tội làm nhục người khác. Với tình hình loại tội phạm cho vay lãi nặng có xu hướng tăng đột biến và diễn biến phức tạp như hiện nay, với mức hình phạt tù cao nhất của tội danh này là 3 năm tù là chưa đủ răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội”, luật sư Lâm Văn Khuyển nói.

Như Anh
.
.
.