Chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 03/12/2019, 07:37

Ngày 2-12, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan của Việt Nam và Hà Lan về Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (viết tắt tiếng anh là MD-ATP).


Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến quan trọng để hoàn thiện những quyết định cho Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp vùng ĐBSCL. Với sự tham dự của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Hội thảo cung cấp phản hồi về những trọng tâm và hoạt động cần được đưa vào khi xây dựng và thực hiện giai đoạn đầu tiên của chương trình. Các điều khoản tham chiếu của chương trình hiện đang được xây dựng, dưới sự hướng dẫn của một Nhóm chỉ đạo liên chính phủ Việt Nam – Hà Lan, để đệ trình lên 2 Chính phủ phê duyệt. 
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu từ năm 2020-2023, MD- ATP sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại 6 vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL. Chương trình cũng sẽ mở rộng liên kết với nhiều đối tác mới. Chương trình sẽ được hoàn thành vào năm 2030, sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực liên doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.

Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Hà Lan có thể cung cấp kiến thức độc đáo về quản lý nguồn nước và kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi đã có kinh nghiệm từ việc triển khai Kế hoạch ĐBSCL trước đây. 

Qua đó, hy vọng rằng trong giai đoạn triển khai quan hệ đối tác chiến lược và lâu dài giữa Hà Lan – Việt Nam này, MD-ATP có thể phối hợp và khuếch trương tác động của những nỗ lực chung giữa chính quyền các tỉnh, các viện nghiên cứu, đối tác phát triển quốc tế và khối tư nhân. Nếu không có chương trình, nhiều khả năng những nỗ lực này sẽ bị thiếu tính liên kết”.
Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, vào ngày 9-4, một biên bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác giữa Hà Lan – Việt Nam nhằm triển khai MD-ATP đã được ký kết bởi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hà Lan Mark Rutte. Biên bản ghi nhớ này đánh dấu giai đoạn hai của mối quan hệ hợp tác chiến lược và lâu dài giữa Hà Lan và Việt Nam về quản lý nguồn nước và nông nghiệp. Trong đó, MD-ATP là một chương trình tiếp nối quan hệ hợp tác song phương sẵn có đã được bắt đầu Kế hoạch ĐBSCL vào năm 2013. 

Trần Lĩnh
.
.
.