Chuẩn bị của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ-Trung năm 2019

Thứ Ba, 15/01/2019, 18:20
Thế giới hiện đang chứng kiến cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, kinh tế bên ngoài thay đổi đương nhiên sẽ có tác động tới kinh tế Việt Nam. Nếu chiều hướng thuận sẽ tác động tích cực giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, nếu tác động ngược sẽ cản trở sự phát triển.


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với phóng viên báo chí trong cuộc gặp sáng 15-1. Theo đó, khi được hỏi về việc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động như thế nào tới Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục dù vừa qua hai nước có trao đổi, có gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo tại Argentina để bàn thảo các biện pháp giảm căng thẳng. 

“Có nhiều đánh giá về tác động của cuộc cạnh tranh, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nếu hai bên tiếp tục như hiện nay hoặc tiếp tục áp thuế bổ sung thì GDP toàn cầu sẽ tụt giảm. Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu kinh tế, thương mại toàn cầu giảm, đương nhiên Việt Nam sẽ bị tác động. Điều này chúng ta không mong muốn. 

Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, tác động của kinh tế bên ngoài đương nhiên sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. Nếu chiều hướng thuận sẽ tác động tích cực giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, nếu tác động ngược sẽ cản trở sự phát triển của chúng ta. Kinh tế Việt Nam đang tham gia khá sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực”, Phó Thủ tướng nói.

Hiện không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều phải lo lắng trước sự cạnh tranh của các nước lớn, không chỉ cạnh tranh Mỹ - Trung mà còn giữa các nước khác. Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhưng cũng phải tiếp tục ứng phó với rất nhiều cạnh tranh khác trong tương lai nên phải hướng tới nền kinh tế có thể chống lại các sức ép này. 

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, tuân thủ luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hợp Quốc: “Trong quan hệ với các nước, chúng ta thấy vấn đề gì liên quan hoặc đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định thì chúng ta ủng hộ, kiên quyết không ủng hộ hoạt động nào ảnh hưởng xấu tới môi trường hòa bình và phát triển chung của thế giới. Mục tiêu của chúng ta là duy trì hòa bình, phát triển của khu vực, thế giới. Chúng ta tiếp tục quan hệ với tất cả các nước, đa dạng hóa quan hệ trên tinh thần cùng có lợi và cùng phát triển”.

Nói thêm về vấn đề ngoại giao kinh tế, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng sắp có hiệu lực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phát triển trong thời gian qua với con số tăng trưởng hàng năm luôn cao,  nhất là năm 2018, tăng 7,08% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. 

Có rất nhiều nguyên nhân thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng một trong những nguyên nhân là kinh tế đối ngoại hay thương mại đầu tư đóng góp tích cực vào kinh tế Việt Nam. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam gần gấp đôi giá trị GDP của cả nước. Điều đó có nghĩa, nền kinh tế Việt Nam rất rộng mở so với các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam hết sức quan tâm tới vấn đề thương mại, đầu tư và tự do thương mại, đầu tư. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực và đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các FTA.  Cho tới nay, có 16 hiệp định thương mại tư do (FTA) song phương cũng như đa phương mà Việt Nam đã tham gia, hay đang thảo luận, ký kết.

Ngày 14-1, CPTPP bắt đầu có hiệu lực. Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước thành viên phê chuẩn hiệp định. Quyết định của Việt Nam khi tham gia cùng các nước thảo luận đi đến ký kết CPTPP vì đây là FTA thế hệ mới, mang lại những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ước tính, CPTPP có thể mang lại tăng trưởng trên 1,3% cho GDP Việt Nam hay xuất khẩu tăng trên 4%, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. 

"Việt Nam tham gia nhiều FTA, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do đã từ lâu trong ASEAN, thị trường với hơn 650 triệu dân. Năm 2019, Việt Nam cần phải thực hiện cam kết của ASEAN, tức là giảm toàn bộ thuế về 0 thì khả năng cạnh tranh sẽ rất cao. Do đó, ngay từ đầu, muốn phát triển, các doanh nghiệp Việt cần phải  tận dụng triệt để các FTA", Phó Thủ tướng chia sẻ.


H.Chi
.
.
.