Chủ động ứng phó với tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng hiện tại, các rủi ro về việc Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc chưa tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng do Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu nên vẫn có những tác động gián tiếp. Đây chính là một cú sốc mà Việt Nam chưa có sự tính toán và chuẩn bị.
Cụ thể, cần tính toán về việc Mỹ tăng thuế 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc thì bao nhiêu phần trăm kim ngạch của nước này bị tác động? Trong phần bị ảnh hưởng đó có bao nhiêu phần trăm là hàng nhập từ Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện Ngân hàng Standard Chartered đã có nghiên cứu về vấn đề này, và họ đặt giả thiết nếu như chiến tranh thương mại làm Trung Quốc ngưng xuất khẩu vào Mỹ thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng 1% GDP.
Hiện, có 2 câu chuyện về dòng vốn đầu tư nước ngoài, câu chuyện chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Việc áp thuế của Mỹ về mặt hàng công nghệ chưa rộng toàn cầu, nếu như lan rộng thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì các sản phẩm công nghệ của Việt Nam một phần là sản phẩm lắp ráp cuối cùng và xuất trực tiếp sang Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: Trước mắt, tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại là không quá lớn bởi Mỹ tăng thuế lên hàng hoá Trung Quốc chứ không phải ngưng hẳn việc xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện Mỹ đánh vào Trung Quốc chủ yếu là mặt hàng công nghệ, vì đây là mặt hàng có chuỗi sản xuất toàn cầu.
Các chuyên gia lo ngại hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam xuất sang Mỹ để tránh thuế như mặt hàng sắt thép. |
Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng lên các hãng công nghệ lớn của Mỹ nên Chính phủ Mỹ sẽ phải thận trọng trong việc này. Với kinh tế Việt Nam thì trước mắt là chưa chịu tác động lớn, chỉ các mặt hàng nhôm và thép thì bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trên thực tế, mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam “đội lốt” sang Mỹ. Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này. Vì vậy, với cuộc chiến thương mại xảy ra lần này, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần thận trọng, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ “mượn” Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc trầm trọng hơn, nguyên nhân là do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng “đẩy” sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, một phần hàng hóa xuất khẩu, nhưng không xuất được buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ những mặt hàng mà Trung Quốc đang bị áp thuế cao. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện tại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới bắt đầu, cái khó của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là không ai biết nó kết thúc khi nào.
Chính vì vậy, khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó. Có rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước xuất siêu sang Mỹ. Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ “chảy” vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Các sản phẩm nước này gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ... Do đó Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức.
Trong vấn đề này, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ là Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ. Bộ Trưởng Trần Anh Tuấn cũng khẳng định, đã báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam.