Chính thức dừng vay ngoại tệ, doanh nghiệp hoạt động thế nào?
Như vậy, hiện các DN có nhu cầu ngoại tệ (kể cả ngắn hạn lẫn trung, dài hạn) đều phải chuyển sang mua ngoại tệ.
DN cần ngoại tệ phải mua, thay vì được vay |
Trả lời câu hỏi về việc liệu DN nhập khẩu có gặp khó khăn khi quy định trên chính thức có hiệu lực, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, chủ trương siết dần tín dụng ngoại tệ tiến tới dừng cho vay ngoại tệ nhằm để chống đô la hóa đã được thực hiện từ cách đây 7 năm và các DN đã có thời gian chuẩn bị, chủ động chuyển dần từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua – bán mà không bị đột ngột.
“Đáng ra chúng ta phải làm sớm hơn, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương đã được giãn ra nhằm tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là các DN đặc thù. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, khi điều kiện nền kinh tế ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ trong thời gian đủ dài, việc thực hiện chủ trương hạn chế và đi đến chấm dứt cho vay ngoại tệ là hợp lý”, Phó Thống đốc nói.
Theo lãnh đạo NHNN, trạng thái ngoại tệ được cân đối và dự trữ ngoại hối quốc gia lên tới 70 tỷ USD hiện nay là điều kiện thuận lợi để dừng cho vay ngoại tệ. “Các TCTD được phép mua bán ngoại tệ, cùng với quỹ dự trữ ngoại hối khoảng 70 tỷ USD, chúng tôi thấy rằng kết thúc cho vay ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán thời điểm này là hợp lý”, Phó Thống đốc nói.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc giữ được chính sách tỷ giá ổn định cũng giúp cho quan hệ mua bán ngoại tệ diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, tiền đồng ổn định và lãi suất hợp lý cũng sẽ giúp DN chuyển từ vay ngoại tệ sang vay nội tệ không gặp xáo trộn lớn trong kinh doanh.