Cần sự đồng lòng, quyết tâm cao từ “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái

Thứ Bảy, 20/10/2018, 07:22
Tại Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Nguy cơ thách thức và giải pháp” được tổ chức ngày 19-10 tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đánh giá mặt hàng thường bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT nổi cộm là thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử... 


“Thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện xử lý. Các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Điều đó cho thấy việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm SHTT rất đáng báo động”, ông Kiều Nghiệp, Tổng cục QLTT nhận định.

Hàng giả gồm thuốc, thực phẩm chức năng bị tiêu hủy.

Theo Tổng cục QLTT, kết quả kiểm tra trong năm 2017 và 9 tháng 2018, lực lượng QLTT cả nước phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 121 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là vi phạm về nhãn hàng hóa (26.367 vụ, xử phạt 56,4 tỷ đồng); Giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì (6.154 vụ, số tiền phạt 45,6 tỷ đồng); Vi phạm SHTT (1.064 vụ, phạt 7,5 tỷ đồng). 

Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm khác như: Giả chất lượng, công dụng, tem nhãn, bao bì. Trong 9 tháng 2018, QLTT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, xử lý 11 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Nói về nguyên nhân khiến hàng giả, vi phạm SHTT “tung hoành” trên thị trường, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho rằng, do hiện nay “bùng nổ” khoa học công nghệ, và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng áp dụng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT làm cho NTD và các cơ quan quản lý Nhà nước khó phát hiện hàng thật hay hàng giả. Do vậy, các hành vi vi phạm có tính chất ngày càng nguy hiểm, có tổ chức chặt chẽ không chỉ phạm vi trong nước mà còn mở rộng, liên quan đến các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

“Thời gian vừa qua, QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, Trung tâm thương mại (TTTM) và các tuyến đường kinh doanh, thu giữ rất nhiều sản phẩm đồng hồ, mắt kính, bóp, ví,… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. 

Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết là tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhưng do việc kinh doanh này có lợi nhuận rất cao và hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã chưa đồng bộ, công tác quản lý của lãnh đạo các TTTM, chợ, chưa quyết liệt, chặt chẽ, nên hàng giả vẫn bày bán công khai”, ông Bách thông tin.

Nói về khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả nhập lậu từ nước ngoài vào thị trường nội địa, đại diện QLTT tỉnh Long An cho biết, QLTT và các lực lượng chức năng khác của tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa nhập lậu như thuốc lá, gỗ, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông dược, quần áo, đồng hồ đeo tay.... 

Thế nhưng, lực lượng chức năng không thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng thật. Trong khi đó, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc về hàng giả có yếu tố nước ngoài của cán bộ, công chức còn hạn chế, nên đó cũng là lý do khiến hàng giả ở nước ngoài nhập lậu vào thị trường nội địa vẫn còn phức tạp.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, ngoài lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả xâm phạm SHTT cao, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, DN trong việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm SHTT chưa hiệu quả, thì một nguyên nhân nữa khiến nạn hàng giả, vi phạm SHTT không đẩy lùi được là do nhận thức của một bộ phận NTD còn thấp. 

QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện hàng giả bán ở chợ Bến Thành.

Một số người mặc dù biết là hàng giả, nhưng do giá rẻ và phù hợp về tài chính nên vẫn chấp nhận mua và sử dụng. Nhiều DN ngại làm đơn đề nghị xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, ngại cung cấp cách phân biệt hàng thật, hàng giả cho cơ quan chức năng, do sợ việc đó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm...

Trước thực trạng trên, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống nạn hàng giả, xâm phạm SHTT là công việc không chỉ của lực lượng chức năng hay DN mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Vì vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự quyết tâm của QLTT và các lực lượng thực thi khác, cùng sự phối hợp chặt chẽ của DN, Hiệp hội, thì cuộc “đấu tranh” này chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.

“Về phía Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… của mọi tổ chức cá nhân, DN thông qua đường dây nóng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý hàng giả, xâm phạm SHTT” - ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết.

Thúy Hà
.
.
.