Cần phản vệ trước hành vi thương mại không lành mạnh của doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam

Thứ Bảy, 04/08/2018, 09:07
Việt Nam chỉ mới “đáp trả” 9 vụ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Trong khi Việt Nam bị “dính” 130 vụ việc về phòng vệ thương mại (PVTM) ở thị trường xuất khẩu, thì ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ mới “đáp trả” 9 vụ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. 

“Tỷ lệ này là điều khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều. Nói thật, có rất nhiều vụ việc mà chúng tôi làm với ngành sản xuất trong nước, doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện về mặt kỹ thuật để áp dụng PVTM bảo vệ sản xuất của mình. Nhưng vì nhiều lý do, và cũng không thể phủ nhận năng lực của cơ quan PVTM của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nên công cụ PVTM chưa phát huy hết được hiệu quả như các nước khác”, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM – Bộ Công Thương chia sẻ.

 Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ngành đường trong nước hiện gặp rất nhiều khó khăn do đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam quá lớn nhưng chưa có cách ngăn chặn. Trong khi đó, Thái Lan có kế hoạch đến năm 2025 sẽ sản xuất sản lượng gấp đôi hiện tại (khoảng trên 20 triệu tấn), trong khi ngành đường thế giới đều khó khăn là dư thừa đường. 

Vậy, thời gian tới, đường Thái Lan nhập khẩu chính thống vào Việt Nam (cũng đi qua Lào), mà hiện nay Lào và Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại giữa 2 quốc gia, ưu đãi rất nhiều cho mặt hàng đường, mức thuế thậm chí 0%. 

Liệu rằng, trong tương lai, đường Thái Lan có “đội lốt” xuất xứ Lào nhập khẩu vào Việt Nam để hưởng 0% thuế? Trước băn khoăn của đại diện Hiệp hội mía đường, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM cũng cho rằng, Hiệp hội và các DN nên xem xét, làm đơn lên Cục PVTM, từ đó có cơ sở điều tra, sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

Để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước việc cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, hiện Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành các vụ kiện PVTM, nhất là khi Chính phủ ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Bên cạnh đó, khả năng hiện tại của Cục PVTM hoàn toàn có thể thực hiện 5-7 vụ PVTM trong 1 năm. 

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại của các DN trong nước là chi phí để theo đuổi các vụ kiện. Mới đây nhất, ngày 8-5, Cục PVTM nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty CP gang thép Thái Nguyên đối với sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam. 

Sau khi xem xét, cuối tháng 7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT kèm thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các DN trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, cần lưu ý về khả năng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM sẽ được áp dụng.

Thúy Hà
.
.
.