Cần huy động các khoản vay hợp lý
- Ngân hàng phải hạn chế các khoản vay cho hoạt động gây hại môi trường
- Vẫn còn gần 4% khoản vay có lãi suất trên 15%/năm
- Các khoản vay ngắn hạn hưởng lãi suất 17-19%/năm
Giới chuyên gia cho rằng, cần tận dụng hợp lý nguồn vốn ODA còn lại trong giai đoạn này tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, hạn chế huy động các khoản vay có lãi suất cao cho cân đối đầu tư công.
Tự vay tự trả tăng đột biến
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp (DN) và tổ chức tín dụng (TCTD) theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016 (trong đó có khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Công ty Vietnam Beverage khoảng 5 tỷ USD).
Trong khi đó, theo Quyết định số 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018, hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm tối đa 10%/năm.
Việc tăng đột biến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (nợ tự vay tự trả của DN và TCTD) khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP năm 2017 tăng lên 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) theo các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của DN, TCTD không thuộc phạm vi nợ công, song đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.
Ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mối quan hệ giữa DNNN với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính Nhà nước và các DNNN khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy. Chính phủ không bảo lãnh cho các DNNN trong các khoản vay trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho DNNN.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 này ở mức 61,4% GDP (giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP, mức trần đặt ra là không quá 65%), nợ Chính phủ ở mức 52,1% GDP (mức trần là không quá 54%).
Tốc độ gia tăng quy mô nợ công bước đầu cũng đã được kiềm chế, từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, trong đó nội dung tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công; tăng cường công tác quản lý huy động, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện, tăng cường công khai, minh bạch,…
Cải cách công tác quản lý nợ công
Ông Rodrigo Cabral, chuyên gia tài chính cao cấp của WB chỉ ra rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nước vay nhiều ODA sang nước tiếp cận các nguồn vay có tính chất thị trường nhiều hơn. Do vậy, Việt Nam phải nâng cao năng lực để tiếp tục thực hiện công tác quản lý nợ công, huy động vốn vay nợ công hiệu quả.
“Có thể thấy một điểm quan trọng bậc nhất là phải tập trung phát triển thị trường vốn trong nước, trong đó cụ thể là phải bắt đầu bằng việc phát triển thị trường trái phiếu để đảm bảo nguồn huy động vốn tin cậy, ổn định. Đặc biệt, khi dựa vào nguồn vốn trong nước sẽ đảm bảo bớt rủi ro về tỷ giá. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không đa dạng hóa nguồn huy động. Tôi cho rằng, với giai đoạn chuyển đổi hiện nay của Việt Nam thì Việt Nam vẫn cần tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như phải từng bước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế thông qua vay thương mại để làm đa dạng hóa khả năng huy động vốn của chính phủ”, ông Rodrigo Cabral phân tích và khuyến nghị Việt Nam xây dựng lộ trình dài hạn về cải cách công tác quản lý nợ công để minh bạch, hiệu quả, phù hợp, tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế.
Thực ra, việc dịch chuyển nguồn vốn vay từ nước ngoài sang trong nước đã được thực hiện từ trước đó. Số liệu báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ được thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần mức vay nước ngoài, với tỷ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% ước tính cuối năm 2018.
Tỷ lệ vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ (so với mức 73% trong giai đoạn 2011-2015).
Cùng với việc chuyển dịch tỷ trọng vốn vay, trong thời gian tới, giải pháp vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay trên cơ sở kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công trung hạn và hàng năm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nợ công; tái cơ cấu nợ công, thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước.
Cùng với đó, phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách; tăng cường quản lý cho vay lại chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ nước ngoài của DN (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả.