ASEAN đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 23%
Tối 20/11, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 17-20/11 đã kết thúc. Tại buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thông tin các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững.
- Tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng
- Các nước ASEAN cam kết phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường
- Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN
PV: Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 đã kết thúc với tuyên bố chung các Bộ trưởng. Xin Thứ trưởng cho biết một số nội dung chính của tuyên bố chung lần này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 năm 2020 có chủ đề hợp tác năng lượng là “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”. Đúng với tên gọi của nó, tại Hội nghị các Bộ trưởng đã đi đến những tuyên bố chung, trong đó có những điểm nhấn tôi cho rằng đặc biệt ý nghĩa đó là việc: Các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, giữa những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 trên ngành năng lượng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Các Bộ trưởng đã thông qua Giai đoạn II của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác năng lượng giai đoạn 2021-2025 (APAEC giai đoạn II: 2021-2025) với chủ đề phụ mới là "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lượng khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn nữa". Hợp tác năng lượng ASEAN sẽ tiếp tục theo đuổi 7 lĩnh vực chương trình APAEC về lưới điện ASEAN (APG), đường ống dẫn khí Trans ASEAN (TAGP), hiệu quả năng lượng và bảo tồn, năng lượng tái tạo, năng lượng khu vực & hoạch định chính sách, than đá và công nghệ than sạch và năng lượng hạt nhân dân sự.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thông tin về kết quả Hội nghị. |
APAEC Giai đoạn II là kế hoạch mới nhất trong chuỗi các kế hoạch ngành để thực hiện tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với ngành năng lượng. Chương trình APAEC mới đóng khung chương trình nghị sự hợp tác năng lượng của khu vực trong năm năm tới cũng như nhiệm vụ dài hạn hướng tới một tương lai năng lượng ASEAN bền vững.
Chương trình được bổ sung bởi các phân tích từ Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6 (AEO6) của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) đưa ra các kịch bản và lộ trình khác nhau hướng tới đạt được các mục tiêu năng lượng của khu vực. APAEC Giai đoạn II cũng cung cấp những đóng góp về năng lượng khu vực vào các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN, bao gồm ứng phó với các mệnh lệnh liên ngành để phục hồi kinh tế và tăng trưởng xanh, kỳ vọng về tính bền vững, ứng phó khí hậu và khả năng phục hồi, và nhu cầu của đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng dân số, số hóa và các xu hướng và những vấn đề khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An |
PV: Thưa Thứ trưởng, cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, các bộ trưởng đã có những tuyên bố như thế nào đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, một số nguồn năng lượng khác như than, năng lượng hạt nhân?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Về năng lượng tái tạo (NLTT), các Bộ trưởng ghi nhận ASEAN đạt được 13,3% trong tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp và 27,1% tổng công suất năng lượng lắp đặt năm 2018. Các Bộ trưởng đã thảo luận về những thách thức của việc triển khai trong khu vực và hoan nghênh các biện pháp mạnh mẽ trong APAEC giai đoạn II để đạt được những mục tiêu về NLTT. Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng trong ASEAN, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu tỷ trọng NLTT của ASEAN với mục tiêu 23% năm 2025, đồng thời đặt mục tiêu 35% tỷ trọng NLTT trong ASEAN với công suất năng lượng lắp đặt năm 2025. Ngoài ra trong tuyên bố chung, chúng ta cũng hướng đến thúc đẩy giải pháp công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) về NLTT.
PV: Thưa Thứ trưởng, Hội nghị AMEM 38 năm 2020 có chủ đề hợp tác năng lượng là: “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”. Đây cũng là một trong những định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Với vai trò là nước Chủ tịch và chủ nhà của Hội nghị lần này, xin Thứ trưởng cho biết thêm về vấn đề chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam và những đóng góp, sáng kiến vào nội dung hợp tác trong khu vực ASEAN?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành năng lượng, bám sát định hướng phát triển năng lượng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, năng lượng quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng là cần thiết. Chuyển dịch năng lượng là sự thay đổi chính sách, cơ cấu, công nghệ ngành năng lượng từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững như gió, mặt trời, sinh khối...
Theo báo cáo của chúng tôi, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 4,64%/năm, tương đương 71,903 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp đã thay đổi theo hướng tích cực, năng lượng sinh khối phi thương mại đã giảm nhanh, thủy điện tăng... Tổng công suất các nguồn điện tăng, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, hiện nay, do sự phát triển kinh tế xã hội, các nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp, vì vậy cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các cơ chế khuyến khích đối với các dự án năng lượng tái tạo gồm: Thủy điện nhỏ (công suất từ 30MW trở xuống), điện gió, điện mặt trời và chất thải rắn... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện để ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện VIII nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng, đa dạng hóa nguồn năng lượng theo hướng phát triển bền vững, đặt ra các mục tiêu phù hợp về tỉ trọng các nguồn năng lượng bao gồm năng lượng tái tạo theo từng giai đoạn… Đặc biệt, với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý…
Không chỉ Việt Nam, mà các nước trong khu vực cũng đang hướng đến mục tiêu chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững. Vì vậy, tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng, trưởng đoàn năng lượng ASEAN đều thảo luận triển khai Chương trình hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và tăng cường khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn”. Các nước đã thống nhất đưa mục tiêu tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% và giảm cường độ năng lượng xuống 32% vào năm 2025. Các nước thành viên tiếp tục xây dựng lộ trình phát triển năng lượng tái tạo và giảm cường độ năng lượng tại khu vực vào năm 2030 thông qua triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
PV: Được biết, khung khổ hợp tác năng lượng các nước Đông Á là một khung khổ quan trọng. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về thực trạng và định hướng hợp tác năng lượng của khung khổ này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Khu vực Đông Á và Hoa kỳ (EAS17) với dân số 3,84 tỷ người, chiếm hơn nửa dân số toàn cầu, GDB khoảng 39.000 tỷ USD chiếm 51% GDP toàn cầu và được dự báo tăng lên 4.36 tỷ người, 91.000 tỷ USD tương ứng vào năm 2040. Với mức tăng trưởng dân số và kinh tế như vậy sẽ gây sức ép không nhỏ về nhu cầu năng lượng trong khu vực, dự báo tăng 50% vào năm 2040 so với năm 2015.
Cùng với việc sử dụng năng lượng gia tăng, lượng CO2 phát thải cũng được dự báo tăng từ 5.660 triệu tấn carbon lên 8.189 triệu tấn vào năm 2040. Để giải quyết bài toán an ninh năng lượng, từ nay đến năm 2040, khu vực cần huy động khoảng 4.000 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. Những áp lực trên đã thúc đẩy các quốc gia trong Khu vực tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác và thực hiện các hoạt động đổi mới sinh thái hướng đến việc chuyển đổi năng lượng bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của người dân.
Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia thành viên Khu vực Đông Á và Hoa Kỳ đã thực hiện hàng loạt các hoạt động, sáng kiến trong lĩnh vực Năng lượng như: các sáng kiến về dầu khí, công nghệ sử dụng năng tiết kiệm và hiệu quả, hệ thống phân phối năng lượng, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, các giải pháp dự trữ năng lượng, công nghệ điện gió, lưu giữ và tuần hoàn, sử dụng và lưu trữ carbon, và công nghệ năng lượng hydro. Thông qua các hoạt động này, các nước trong khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp, công nghệ đổi mới và các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng.
Cùng với đó, bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN, các quốc gia Khu vực Đông Á tiếp tục duy trì hợp tác và hỗ trợ để các quốc gia ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác năng lượng giai đoạn 2021 - 2025.
PV: ASEAN là một khu vực đang phát triển nên nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao. Mặt khác, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức cũng như đặt ra các mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Xin Thứ trưởng cho biết, các quốc gia ASEAN đã và sẽ có những hành động, sáng kiến gì để đáp ứng những đòi hỏi này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Cộng đồng ASEAN với sự phát triển ngày càng lớn mạnh, với dân số 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỉ USD, đứng thứ 5 toàn cầu, do đó, nhu cầu năng lượng cần thiết phục vụ cho đời sống kinh tế và phát triển xã hội của khu vực đang ngày càng gia tăng. Để đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, việc hợp tác, kết nối về năng lượng giữa các nước thành viên ASEAN là một trụ cột rất quan trọng, cần được tăng cường, thúc đây sâu, rộng hơn nữa.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã thống nhất được các nội dung như: Tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện và hoàn thành 08 ưu tiên hợp tác năng lượng ASEAN năm 2020 đã được các Bộ trưởng thống nhất tại Hội nghị AMEM lần thứ 37; Thông qua kế hoạch hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2 (2021 - 2025) của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016 - 2025, nhằm mục tiêu tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường kết nối và trao đổi mua bán điện song phương và đa phương giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Thông qua “Báo cáo triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6”;
Đưa ra các biện pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nhằm đạt được mức giảm cường độ năng lượng tích cực hơn trong các năm tới; cũng như các biện pháp, kế hoạch cụ thể hướng đến các chính sách đa dạng hóa phát triển nguồn năng lượng trong khu vực ASEAN.
Thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, làm cơ sở để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của khu vực trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra được các sáng kiến về chính sách nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN, hướng tới tương lai ổn định về các nguồn năng lượng cho khu vực.
Đưa ra các sáng kiến, giải pháp để tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia đối tác, các tổ chức quốc tế; và để thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng trong khu vực ASEAN.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!