Cải thiện cơ sở hạ tầng hơn nữa để thu hút đầu tư

Chủ Nhật, 28/03/2021, 09:08
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được Quỹ tiền tệ quốc tế công bố cho thấy, cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay.

Quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore với con số 337,5 tỉ USD và Malaysia  là 336,3 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD.

Có được những thành quả này, vai trò lớn nhất là sự nỗ lực từ cả hệ thống chính trị trong việc tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng trong năm 2021, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định: "Thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng. Song những động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư cao và lao động giá rẻ đang dần cạn kiệt". 

Cũng theo TS Vũ Thành Tự Anh, trong 10 năm tới, chắc chắn phát triển đô thị sẽ là một động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Thách thức của đô thị hóa ở Việt Nam là làm thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh của đô thị nhưng vẫn kiểm soát được những tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông. Đồng thời ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu để các đô thị thực sự là nơi đáng sống và an toàn. Trong đó, xu hướng "hồi phục xanh" sẽ trở thành chủ đạo cho chiến lược và chính sách phát triển đô thị nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Quá tải về hạ tầng ở một cảng biển.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, 2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà còn của cả thế giới. Các yếu tố chính là diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các nước lớn trên thế giới; rủi ro địa chính giữa các khu vực và bất ổn tài chính toàn cầu… 

"Do đó, là một quốc gia đang ngày một hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động chung này", TS Sử Ngọc Khương nói, Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác như thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch hàng không, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn.

Thu hút đầu tư nước ngoài và lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng nhanh những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) dần được lấp đầy. Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, tỉ lệ lấp đầy trung bình tại KCN của các tỉnh, thành trọng điểm hiện đều ở mức cao. Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Ở khu vực phía Nam, tỉ lệ lấp đầy tại TP Hồ Chí Minh là 88%, tỉnh Bình Dương là 99%, Đồng Nai là 94%, Long An là 84% và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 79%.

Nhận định về xu hướng vừa nêu, ông John Campbell, Trưởng Bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết, việc tăng giá thuê đất sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ lấp đầy của các KCN do đây là một trong những yếu tố được quan tâm chính của nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp giá trị cao như điện tử và thiết bị công nghệ. Đặc biệt Việt Nam cần chú ý nếu giá thuê đất vượt quá ngưỡng trung bình. Giá thuê đất cao đã thúc đẩy việc hình thành quỹ đất sản xuất công nghiệp tăng lên một cách nhanh chóng với 561 KCN đã và sẽ tiếp tục được hình thành những năm tới. Thực trạng này hứa hẹn sẽ tác động nhiều đến giá thuê đất sản xuất công nghiệp.

Xu hướng đa dạng hóa địa điểm sản xuất để giảm thiểu rủi ro của các tập đoàn đa quốc gia đã thúc đẩy việc dịch chuyển sản xuất khỏi một số nước trong khu vực. 

"Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu so với nhiều nước khác, đây sẽ là trọng tâm lớn trong những năm tới khi dự kiến sẽ có không ít các khoản đầu tư giá trị cao vào Việt Nam", ông John Campbell, chuyên gia của Savills khẳng định. 

Để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư, hiện đang có một số dự án hạ tầng công nghiệp hấp dẫn sắp được ra mắt, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Cụ thể, Công ty CP ĐT Phát triển KCN Vinhomes sẽ lần lượt ra mắt các KCN mới tại Hải Phòng; Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và TNI Holdings với các KCN mới cũng mang đến sinh khí mới cho Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Nhằm thúc đẩy việc thu hút dòng vốn đầu tư, Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án KCN với diện tích trên 201.000ha. Trong số này có 259 KCN sử dụng 86.500ha vẫn chưa được hình thành. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, trước hết cần hoàn chỉnh khung pháp lý để hỗ trợ các dự án KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết, mô hình dịch vụ KCN và đô thị kết hợp. Đồng thời, dù đang có nhiều lợi thế hấp dẫn về mặt địa lý, chi phí đất đai, chi phí lao động, chi phí vận hành cùng với những chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn… thì Việt Nam cũng cần phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào công nghệ thông tin, khoa học. 

Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cản thiện. "Cơ sở hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua, nhưng vẫn còn một số hạn chế. So với khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Do đó, cần chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa", ông Matthew Powell, quản lý cấp cao của Savills chia sẻ và khuyến nghị.

Đ.Thắng
.
.
.