Cá tra bất ngờ giảm giá do khó khăn trong xuất khẩu
- Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt thiếu khách quan
- Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra tăng, nông dân phấn khởi
Nguyên nhân được các doanh nghiệp (DN) đưa ra do thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang tạm ngưng nhập khẩu (NK).
Từ cuối năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, giá cá tra tăng kỷ lục, có nơi nông dân bán được giá 32.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng từ tháng 6 đến nay, giá cá tra có xu hướng giảm. Theo báo cáo từ Bộ NN-PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 6 trong khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều DN đã giảm thu gom cá nguyên liệu từ các hộ nuôi mặc dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện cá tra nguyên liệu trên địa bàn đang có giá khoảng 26.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi cá vẫn có lãi khá do giá thành sản xuất cá hiện nay chỉ khoảng từ 21.000 - 23.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Định (ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) cho biết: Mấy tháng trước, người ở nhà máy đến mua toàn bộ sản lượng của diện tích 2ha nuôi với giá 31.000 đồng/kg.
“Nhưng hiện nay, giá cá tra chỉ còn chừng 26.000-28.000 đồng/kg, tôi còn 2 ao nuôi khoảng 2ha nữa chưa thu hoạch. Không biết sắp tới giá còn giảm nữa hay không. Tôi nghe người của nhà máy nói do phía Trung Quốc không ăn hàng nữa nên giá mới giảm như vậy”, ông Định nói.
Thu hoạch cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long. |
Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay giá cá tra tại tỉnh chỉ còn khoảng 26.000 đồng/kg, giảm từ 4.000-5.000 đồng/kg so với một tháng trước. Nhưng với giá này, người nuôi vẫn còn lãi từ 3.000-4.000 đồng/kg. Khi giá cá tăng kỷ lục, Chi cục Thuỷ sản đã khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ sau này giá không được tốt như vậy. Ngành Nông nghiệp đã kiểm soát được việc này nên không xảy ra tình trạng nông dân đua nhau đào ao nuôi cá tra”.
Theo một số DN, khi giá cá tra lên cao đến 32.000 đồng/kg, các nhà NK Trung Quốc tạm ngưng mua để tiêu thụ lượng cá tra tồn kho đã nhập. Điều này đã làm giá cá tra trong nước giảm vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. Giá thành sản xuất cá tra khoảng 22.000 đồng/kg tuy giảm nhưng với giá 26.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 5-2018, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, chiếm 25,5% tổng XK cá tra và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất.
Trong 3 năm trở lại đây XK cá tra sang thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh. Số lượng DN tham gia XK sang thị trường này cũng gia tăng. Tỷ trọng XK cá tra sang thị trường này vào năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 chiếm 10,3%, năm 2016 chiếm 17,8% và năm 2017, thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ và EU trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 23%. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đột biến trong thời gian ngắn cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Theo VASEP, trong số lượng XK cá tra sang Trung Quốc thì XK chính ngạch chiếm 56%, XK qua biên giới chiếm 44%, gần như bằng nhau. Đáng lưu ý, có 9 cá nhân XK tham gia XK cá tra qua đường tiểu ngạch nhưng đã chiếm đến 47% khối lượng, nhưng kim ngạch chỉ đạt 23% so với 73% từ các nhà máy chế biến.
“Việc vận chuyển qua biên mậu làm chất lượng cá tra giảm xuống. XK tiểu ngạch hàng đi dễ nhưng về lâu dài, làm cho một số DN dễ dãi trong đặt ra tiêu chuẩn cho cá tra. Tôi dự đoán thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ đặt ra yêu cầu về chất lượng cho sản phẩm cá tra nên những DN xuất khẩu tiểu ngạch sẽ gặp khó khăn”, TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định.
Trước tình hình này, VASEP cho rằng, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng khuyến cáo DN chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư Thủy sản xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, DN cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra, basa XK.