CPI đang gánh chịu những khoản phí, thuế không đáng có trong giá thành

Thứ Ba, 12/07/2016, 08:11
1 quả trứng chịu 14 loại phí, 1 con lợn gánh 51 loại phí, 40% lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là phí và thuế… là câu chuyện không mới nhưng luôn mang tính thời sự. Trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát khó duy trì trong ngưỡng đề ra, câu chuyện thuế, phí đẩy giá thành hàng hóa, cũng như doanh nghiệp gian dối, trung gian “ăn” lợi nhuận làm ảnh hưởng tới chỉ số CPI một lần nữa được đặt ra.


Được đánh giá là có diễn biến lạ, CPI tháng 6-2016 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước tăng 1,8%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm và nếu không sớm có sự điều chỉnh, khả năng giữ lạm phát 5% như mục tiêu đề ra có thể không thực hiện được.

Tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016”, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú phân tích: giá cả hàng hóa nói chung và chỉ số CPI nói riêng luôn chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản gồm cung cầu hàng hóa, năng suất lao động xã hội, hệ thống phân phối, chi phí sản xuất kinh doanh. 

CPI đang chịu sức ép từ một số loại thuế. Ảnh: CTV.

Trên thị trường 6 tháng qua, hàng hóa nói chung được đánh giá là dồi dào phong phú đa dạng ở tất cả các nhóm hàng, ngành hàng và mặt hàng nói chung và nhóm hàng nông sản thực phẩm nói riêng. Chiếm tới 39,93% trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có một vài trò lớn cho việc tính chỉ số này. Hiện nay, dù rất dồi dào, nhưng hàng hóa có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không phổ biến và thường có mức giá cao hơn sản phẩm tương tự. 

“Giá cả cao, đây là vấn đề đáng nói vì nó hầu như không sát với giá trị thực. Câu chuyện 1 quả trứng chịu 14 loại phí, 1 con lợn gánh 51 loại phí, 40% lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là phí và thuế là vấn đề đã được đề cập và thực tế nó đã có tác động trực tiếp tới chỉ số tiêu dùng. Rõ ràng CPI của chúng ta đang gánh chịu những khoản phí thuế không đáng có vào trong giá thành. Phải loại bỏ ngay những khoản chi phí đó để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ hàng Việt Nam đứng vững ở thị trường nội địa và người tiêu dùng được hưởng một mức giá hợp lý hơn”, ông Phú nhận định.

Không những thuế phí cao, hiện nay, hệ thống phân phối quốc gia-điều tưởng là đã cũ, trái lại vẫn còn rất mang tính thời sự.

“Trong năm 2015, hết dưa hấu, thanh long, hành tỏi... bị ép giá, ép cấp dẫn tới thừa ế, thua thiệt cho người sản xuất. 6 tháng đầu năm nay, lại muối ăn của diêm dân bán dưới giá thành (giá thành 650đ/kg muối, bán được 350đ/kg), sắn lát ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) ngoài việc bị ép cấp, ép giá còn bị đầu nậu thu phí vận chuyển qua vùng 1,5 triệu đồng/xe… 

Tháng 6 này tại Hà Nội rộ lên chuyện vải thiều Bắc Giang ngon loại 1 bán ở chợ truyền thống 20.000 – 22.000đ/kg, nhưng ở siêu thị đang bán 35.000đ/kg, mặc dù các nhà bán lẻ đã cam kết không lấy chi phí bán ra, không bán chênh giá. Câu chuyện giá bán lẻ của nhiều mặt hàng đang ở mức cao một cách vô lý mà người tiêu dùng phải gánh chịu vẫn chưa có hồi kết”, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định.


Nhiều loại thực phẩm đang bị đội giá lên cao do thuế, phí trung gian…

Một tác động nữa đến CPI là về nhân tố năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2-15 lần so với các nước trong khu vực, vì lẽ đó mà hàng hóa Việt Nam sản xuất có giá cao hơn, năng lực cạnh tranh thấp hơn ngay ở thị trường nội địa. 

Nguy cơ thua về giá cả, càng lớn hơn khi nguồn cung hàng hóa các nước nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất tiến tới 0-5% trong 1-2 năm sắp đến và những năm tiếp theo. Vì vậy nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận đất đai dễ dàng để mở chuỗi bán lẻ, tiếp cận vốn kinh doanh hợp lý… để giảm giá thành sản phẩm. 

Điều quan trọng hiện nay, Chính phủ, Bộ ngành và các doanh nghiệp tích cực chỉ đạo và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 19/CP và 35/CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. 

Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống phân phối, khuyến khích và nhân rộng các mô hình tiên tiến, tạo các cơ chế thích hợp để hình thành và phát triển các tập đoàn bán lẻ mạnh như Vingroup, Saigon Coop, đó là những đầu tàu dẫn dắt thị trường phát triển lành mạnh, góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, phục vụ tiêu dùng xã hội…

Nhiều loại thực phẩm đang bị đội giá lên cao do thuế, phí trung gian…
Nhiều loại thực phẩm đang bị đội giá lên cao do thuế, phí trung gian…
Lệ Thúy
.
.
.