Bấp bênh cây mía cù lao

Thứ Năm, 12/07/2018, 08:41
Năm nay, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nếm “trái đắng” khi tiền bán mía không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Dù đã giảm hơn 1.000ha so với niên vụ trước để mong giữ được giá, nhưng giá mía năm nay tuột dốc ở mức… 300 đồng/kg.

Ông Lê Thành Phương (một nông dân trồng mía giỏi ở huyện Cù Lao Dung), cho biết: “Mấy chục năm trồng mía, chưa năm nào nông dân gặp cảnh rớt giá thê thảm như năm nay. Giá mía lúc đầu vụ cũng còn vớt vát được đôi chút, nhưng càng vào vụ giá mía càng giảm và đến cuối vụ nông dân phải khó khăn lắm mới bán tháo được giá 300 đồng/kg, trong khi giá thành mỗi cân mía ít cũng từ 600 – 700 đồng/kg”.

Mía rớt giá thảm hại, nhà máy chậm trả tiền, hàng trăm hộ dân đã kéo đến Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng để đòi nợ. Cụ thể, sáng 6-6-2018, hàng chục người đại diện cho nông dân trồng mía huyện Cù Lao Dung và các thương lái đã kéo đến công ty đòi nợ, vì bán mía cho nhà máy hơn 3 tháng nhưng chưa được trả tiền, khiến nợ nần chồng chất.

Trước việc người dân kéo đến đòi nợ, Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng phải mở một cuộc đối thoại với bà con. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp chỉ đạo cuộc đối thoại, giải quyết khó khăn, bức xúc của bà con trồng mía.Tại cuộc đối thoại, bà con trồng mía và thương lái phản ánh về việc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng đã thu mua mía nguyên liệu từ đầu vụ đến nay chưa trả tiền cho người dân. Dù đã hứa trả nợ nhiều lần nhưng công ty không thực hiện. Hiện người dân không còn tiền để tái đầu tư sản xuất, trong khi thương lái thì không còn vốn để thu mua nguyên liệu trong dân. Người dân yêu cầu công ty phải sớm thanh toán tiền nợ cho bà con để giải quyết khó khăn.

Ứng dụng cơ giới vào sản xuất mía ở Cù Lao Dung để giảm chi phí.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Hiểu chia sẻ những khó khăn bức xúc của bà con, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng khắc phục khó khăn, quyết liệt giải quyết dứt điểm tiền nợ người dân. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho biết, công ty đang thiếu tiền mía nguyên liệu đầu vào với nông dân và các đại lý, thương lái khoảng 100 tỷ đồng và cam kết sẽ trả dứt điểm tiền nợ bà con trong tháng 7-2018.

Giá mía xuống thấp cùng những dự báo không mấy khả quan cho ngành mía đường khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN chính thức mở cửa cho đường nội khối nhập vào Việt Nam với mức thuế suất thấp nhất càng khiến nông dân không còn thiết tha với cây mía. Bỏ mía diễn ra ngày càng rầm rộ hơn, số lượng lớn hơn và rủi ro vì thế cũng sẽ cao hơn.

Theo kế hoạch, nên vụ mía 2018-2019, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm khoảng 1.000 ha trồng mía xuống còn 5.400 ha so với niên vụ 2017-2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua rà soát của các địa phương trong huyện, diện tích mía thực tế còn lại không đến con số trên.

Theo ông Trần Bé Tư, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, năm nay do tác động của thị trường khiến giá mía xuống thấp, có lúc chỉ bằng nửa giá thành, nên có sự xáo trộn lớn trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, đặc biệt là 2.000ha mía được chuyển đổi ngoài dự kiến.

“Ngoài 1.000ha mía chuyển đổi theo kế hoạch, 2.000ha còn lại hiện vẫn còn “lơ lửng” chưa biết phải chuyển sang cây trồng, vật nuôi gì để đảm bảo hiệu quả. Đây thật sự là một thử thách không nhỏ cho cả nông dân và lãnh đạo địa phương” – ông Trần Bé Tư chia sẻ.

Theo nông dân Lê Thành Phương, đất Cù Lao Dung không những thích hợp cho nhiều loại cây ăn trái phát triển tốt, mà còn cho chất lượng ngon hơn khi trồng ở những vùng khác, đặc biệt là bưởi da xanh. “Qua thời gian sản xuất 3 loại cây chủ lực là: mía, dừa và bưởi da xanh, đến giờ tôi có thể khẳng định rằng, chỉ có cây bưởi da xanh là mang lại hiệu quả cao nhất và ổn định nhất” – ông Phương cho biết.

Huyện Cù Lao Dung đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển diện tích trồng mía sang các cây trồng khác nhưng vẫn đảm bảo diện tích mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường trong tỉnh. Theo kế hoạch, năm 2018, diện tích mía của huyện giảm còn trên 5.000ha; diện tích màu, cây công nghiệp ngắn ngày là 13.600ha, cây ăn trái 3.100ha. Huyện đã quy hoạch diện tích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, không để nông dân tự phát chuyển đổi quá nhanh, ảnh hưởng đến cung cầu của thị trường nông sản trong tỉnh.

Đ.Văn – X.Trường
.
.
.